Ẩn số công ty "giải trí, nghe nhìn" làm dự án ô tô 6.900 tỷ đồng
Khu đất Vinaxuki cũ bất ngờ được "hồi sinh" bởi dự án sản xuất, lắp ráp ô tô 6.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án trên lại khá "kín tiếng" trong lĩnh vực này.
Sáng 22/2, tại xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu đã tổ chức Lễ khởi công, Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, với tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng.
Lễ khởi công dự án trên được tổ chức trang trọng và là một trong những sự kiện nổi bật về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với quy mô lên tới nhiều nghìn tỷ đồng. Đồng thời, sự kiện này hứa hẹn sẽ hồi sinh, tiếp nối dự án sản xuất, lắp ráp ô tô đầy tham vọng còn dang dở của Vinaxuki - một thời thu hút sự quan tâm, cũng như gây nhiều nuối tiếc về sản phẩm ô tô "Made in Việt Nam" nhưng đã sớm chết yểu.
Đáng chú ý ở dự án đầy tham vọng này, nhiều người không khỏi bất ngờ khi chủ đầu tư được xướng tên là Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu - một cái tên phần nhiều mang hơi hướng thiên về lĩnh vực "giải trí" và xa lạ trong các hoạt động ở lĩnh vực liên quan tới ngành công nghiệp ô tô.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu được thành lập ngày 10/10/2019, có địa chỉ đăng ký số nhà 22, ngách 59, ngõ 147 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Vũ Văn Hùng, ngoài ra, ông Hùng cũng là người đại diện của Công ty cổ phần tập đoàn tài chính và thương mại toàn cầu, được thành lập 7/12/2020 có địa chỉ tại thôn Hải Bối, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Tp.Hà Nội.
Tới ngày 8/1/2021, Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu thành lập chi nhánh tại Thanh Hóa, với địa chỉ tại khu đất thực hiện dự án trên, trong đó người đại diện pháp luật là ông Trịnh Ngọc Trung.
Cũng theo tìm hiểu, trước khi trở thành chủ đầu tư dự án hoành tráng với vốn đầu tư được giới thiệu lên tới gần 7.000 tỷ đồng, công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu cũng như một số công ty có "liên quan" trên chủ yếu được biết tới hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, giải trí, thương mại... Tuy nhiên, cụ thể các thông tin về hoạt động của chủ đầu tư này, đặc biệt các hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô gần như "vắng bóng" khi tiến hành các bước tìm kiếm cơ bản trên không gian mạng.
Thực tế ghi nhận tại dự án trên, sau khoảng thời gian 9 tháng khởi công, dự án vẫn trong tình trạng "đắp chiếu", "án binh bất động" trái ngược với sự kỳ vọng lớn của người dân nơi đây về một dự án quy mô, giúp giải quyết công ăn việc làm, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương. Vì vậy, tham vọng của dự án này đã và đang bị đặt dấu hỏi lớn nếu tiếp tục không có tiến triển như kỳ vọng trong thời gian tới.
Trước đó, để thẩm định chứng minh điều kiện về năng lực tài chính, đảm bảo đáp ứng điều kiện tài chính để tiếp tục thực hiện dự án và hoàn thiện hồ sơ về đầu tư trước khi tiếp tục triển khai thực hiện, phía tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu hoàn thiện hồ sơ theo quy định pháp luật.
Như thông tin Người Đưa Tin đã đưa trong bài Khởi công rầm rộ, dự án mới trên khu đất Vinaxuki cũ vẫn im lìm, tại thời điểm thượng tuần tháng 11, sau hơn 9 tháng khởi công, khu đất dự án trên gần như vẫn giữ nguyên hiện trạng từ thời điểm tiếp nhận lại của dự án Vinaxuki cũ, khuôn viên dự án chìm trong không gian vắng lặng. Hầu như không ghi nhận dấu hiệu của hoạt động thi công và sự hiện diện của máy móc cũng như nhân công tại đây.
Trong khuôn viên dự án, các hệ thống nhà xưởng cũ của Vinaxuki trước đây hiện đã có dấu hiệu xuống cấp, gỉ sét bong tróc nhưng cũng không có dấu hiệu được thay thế, sửa chữa. Trong đó, có một số ít vật tư được tập kết ngổn ngang.
Trước đó, vào tháng 2/2022, tại lễ khởi công được tổ chức trang trọng, phía lãnh đạo Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu thể hiện quyết tâm thực hiện dự án với nhiều máy móc tập kết cũng như sắp xếp nguồn vốn thực hiện dự án.
Dự án Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, với tổng mức Đầu tư 6.900 tỷ đồng. Dự án bao gồm tổ hợp nhiều nhà máy với các chức năng đa dạng gồm: lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin, lắp ráp các loại máy thi công... được xây dựng trên cơ sở khuôn viên 45,6 héc-ta của nhà máy Vinaxuki cũ.
Trong giai đoạn I, sẽ đầu tư 1.993 tỷ đồng, bao gồm các gói san lấp và hạ tầng nhà xưởng. Sau khi hoàn thiện hai giai đoạn và đưa vào sản xuất, Công ty phấn đấu đạt mục tiêu 17 sản phẩm chiến lược, với công suất sản xuất, lắp ráp dự kiến đạt 6.000 xe trong năm đầu tiên và dự kiến đạt 30.000 xe/năm khi hoạt động với 100% công suất. Trong đó, thị trường mục tiêu mà công ty hướng tới chủ yếu là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Với sản lượng tiêu thụ trên, dự án khi ước đạt 12.000 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 11.000 lao động địa phương với mức lương khởi điểm gần 6,1 triệu đồng/người/tháng với đầy đủ các quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ/năm.
Ngoài ra, về tương lai, dự án có tham vọng mở rộng ra ngoài 45,6 héc-ta hiện tại để thực hiện các nhóm sản xuất thuốc đông dược, gia công tân dược đạt chuẩn và các nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn thông minh có dinh dưỡng cao.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị phía Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu cần tập trung nhân lực thi công, đảm bảo nguồn lực về vốn, máy móc để dự án triển khai đúng tiến độ và nếu có vướng mắc thì kịp thời thông tin để tháo gỡ.