Vỉa hè “nghẹt thở”, người dân than trời
Hiện nay, nhiều vỉa hè trên nhiều tuyến đường nội đô, các hộ kinh doanh có muôn vàn cách để chiếm dụng buôn bán khiến người đi bộ phải tràn xuống lòng đường.
Muôn hình vạn trạng cách “xâm chiếm”
Dọc các tuyến đường Lạc Long Quân, phố Vệ Hồ (quận Tây Hồ) hay các tuyến Nguyễn Đình Hoàn, Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy), không khó để bắt gặp cảnh người dân bất đắc dĩ phải đi bộ dưới lòng đường đông đúc xe cộ. Chị Phạm Hiền (người dân thuê trọ khu Nguyễn Đình Hoàn, quận Cầu Giấy) bức xúc kể: “Không có lối mà đi! Có rộng hơn nữa cũng chẳng đi được, các quán chiếm dụng lấy làm chỗ kê bàn ghế bán hàng, người dân ngại cũng không dám đi trên đó. Cho dù có chỗ đi cũng rất nhỏ hẹp, hết tránh xe nhà này lại tránh xe nhà kia đang để trước cửa”.
Dù biển cấm được đặt ngay bên cạnh nhưng đê đường Bưởi (đoạn đường cạnh sông Tô Lịch) vẫn ngập tràn rác thải từ sinh hoạt, xây dựng. |
Từ đầu năm 2023, các quận nội thành của TP Hà Nội đồng loạt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Thành phố thể hiện quyết tâm lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè nhưng sau gần 2 năm mọi thứ lại “đâu vào đấy”, thậm chí còn vô tư và nhộn nhịp hơn trước.
Hiện trạng vỉa hè cạnh sông Tô Lịch ngập rác thải |
Những phố như Quan Hoa (quận Cầu Giấy) hay Vệ Hồ (quận Hồ Tây) luôn được biết đến là tụ điểm ăn uống của nhiều người. Vì vậy, nhiều hộ kinh doanh cửa hàng ăn uống ngang nhiên chiếm dụng. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm nhiều dịp lễ lớn, dưới lòng đường xe cộ đông đúc, trên vỉa hè bàn ghế, hàng hoá cứ thế “điền vào chỗ trống”. Các cửa hàng không chỉ ngang nhiên “nuốt trọn” khoảng không trước cửa nhà mà còn kê bàn ghế tràn ra vỉa hè đối diện. Thế là vỉa hè dành cho người đi bộ giờ đây thành chỗ bán hàng và bãi tập kết rác.
Mỗi gốc cây tại phố Vệ Hồ lại một túi rác lớn, nhỏ do người dân để lại. |
“Họ kê bàn ghế bán đồ ăn ở đấy là một chuyện, ý thức người dân khi ăn uống là chuyện thứ hai. Đoạn Quan Hoa có nhiều cửa hàng bia bán đồ nhậu, người ta ăn xong thải ngay giấy rác xuống vỉa hè, người say thì nôn oẹ vô tổ chức, rất mất thẩm mỹ” - anh Trần Duy (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Một đoạn đường dài được chủ kinh doanh kê bàn ghế làm khu vực bán đồ ăn. |
Nước thải từ các cửa hàng bên đường, quán sửa xe máy hay thậm chí là nước từ những xe đẩy rác trực tiếp được đổ ra vỉa hè, chảy xuống lòng đường. Từ mặt đường khô thoáng biến thành những vũng nước nhầy nhụa mỡ và mùi hôi thối của rác rưởi.
Tiểu thương chợ Cầu Giấy tràn từ trong chợ ra bên ngoài đường Nguyễn Khang để bày bán thực phẩm, đồ dùng hàng ngày. |
Tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, tập kết rác khiến cho hình ảnh Thủ đô trở nên không đẹp trước du khách. Đáng lý một đô thị văn minh phải là nơi “sáng - xanh - sạch - đẹp”, người dân được hít không khí trong lành, vậy mà đến hiện tại môi trường Thủ đô vẫn trong diện “cấp cứu khẩn cấp”.
Mong muốn không còn vỉa hè “bốc mùi”
Chi Nguyễn Trang (trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) cho biết mỗi lần muốn đạp xe qua phố Lạc Long Quân chị thường phải đeo khẩu trang và sẵn sàng tinh thần đạp hết tốc lực mỗi khi qua điểm tập kết rác tại đây.
Điểm tập kết rác ngay dưới lòng đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) gây cản trở giao thông cho người dân, đặc biệt vào giờ tan tầm. |
“Muốn mỗi trải nghiệm thể thao của mình tại Hồ Tây thật thoải mái, nhưng xe rác chất đầy rác thải cao ứ, để ngay dưới lòng đường, người nào đi qua mà không sợ rơi trúng đầu. Nhiều lần tôi may mắn thoát nạn vì túi rác rơi ngay trước khi xe vừa chạy gần đến. Mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc chuyển điểm tập kết rác mới”, chị Trang nói.
Chung nỗi bức xúc về tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, bạn trẻ Ngọc Khánh (17 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Em rất sợ khi đi bộ dưới lòng đường. Tầm chiều thì đường quanh Hồ Tây sẽ rất tắc, nhiều cô chú vội đi về nên bấm còi inh ỏi, có người còn chửi em vì cản đường người ta di chuyển. Nhưng mà trên vỉa hè đâu còn chỗ để đi”.
Một quán cung cấp đồ uống xây kiên cố công trình kiến trúc, lấn chiếm vỉa hè khiến một du khách nước ngoài phải đẩy con gái dưới lòng đường. |
Mọi nỗ lực của Thành phố đều đang hướng tới mục tiêu chung phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên và lan tỏa nét đẹp văn hoá thanh lịch của người Tràng An. Tuy nhiên, đứng trước nỗ lực ấy, ý thức của người dân và những hộ kinh doanh vẫn chưa có những thay đổi tích cực. Đặc biệt, các ban ngành đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường vẫn chưa thể hiện rõ và đúng vai trò của mình.
Vỉa hè dành cho người đi bộ giờ đây thành điểm trong xe cho các quán kinh doanh đồ uống, đồ ăn tại đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy). |
Người dân mong muốn, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý công khai, sớm lập lại trật tự vỉa hè để trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Mặt khác, những hộ dân sinh sống tại các địa bàn có tình trạng nhức nhối chiếm dụng vỉa hè, ô nhiễm môi trường ấy cần có ý thức, hành động trong việc bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Những bó hoa bị “bỏ quên” sau khi được du khách chụp ảnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị. |
Đô thị hóa Thành phố khi hạ tầng cơ sở còn chưa đáp ứng đủ gây nhiều bất cập cho người dân, vì vậy còn có những bài toán giải quyết tổng thể giữa người dân và cơ quan chức năng. Sự phối hợp tích cực và tuân thủ đúng pháp luật, quy định của người dân sẽ là động lực để mọi phong trào thi đua, chương trình về môi trường, trật tự đô thị của Thủ đô được thực hiện hiệu quả cao.