Vài kỷ niệm của người từng học môn Văn
“Em cần viết say hơn nữa”. Tôi tin rằng cho đến bây giờ cũng rất hiếm giáo viên nào phê vào bài làm văn của học sinh theo cách ấy.
Trong hai bài viết trước: “Lại nói về văn học trong nhà trường phổ thông” và “Để yêu được môn Văn trong trường phổ thông”, đăng trên nguoiduatin.vn các ngày 9/9 và 12/9/2023, tôi đã nhận xét, bình luận về việc dạy và học môn Văn hoàn toàn từ góc của một người quan sát ngoại ngạch, một outsider đúng nghĩa với các hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông hiện nay. Tất nhiên không tránh khỏi sự bập bõm, võ đoán (theo nghĩa là thiếu những căn cứ xác thực và đầy đủ). Vậy thì bây giờ tôi sẽ triệu hồi ký ức, thử xem trong cái quá khứ từng học môn Văn của mình – hồi học phổ thông, tất nhiên – có gì đó đủ sức chứng thực cho những điều mình nói hay không?
Cấp I, không có gì đặc biệt. Hình như cấp I thời ấy, những năm đầu thập kỷ 1980, trong chương trình không có môn Văn, chỉ có môn Tiếng Việt và môn Tập làm văn, thì phải. Học hành thế nào đó tôi cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ rằng khi hết cấp I sang cấp II, cô giáo chủ nhiệm phê trong học bạ của tôi: “Có khả năng học tốt các môn Văn và Lịch sử”.
Có lẽ vì thế mà ngay những ngày đầu cấp II, khi Sở Giáo dục Hải Phòng quyết định thành lập các lớp chuyên ở trường THCS Trần Phú, tôi đã được “điều” từ lớp thường sang lớp chuyên văn, rồi được đưa vào đội tuyển học sinh giỏi Văn, thỉnh thoảng lại được các thầy trên Sở xuống dạy bồi dưỡng cho đội tuyển vài tuần, để sau đó đi thi, hết cấp quận đến cấp thành phố. Nhớ lại mới nhận ra rằng đó chính là quy trình “nuôi gà đi thi lấy thành tích” của nền giáo dục phổ thông ở ta, và nó kéo dài cho đến tận bây giờ.
Hình như có vài lần tôi đi thi học giỏi Văn, được giải nhì, giải ba hay giải khuyến khích gì đó. Mọi thứ đã trở nên rất lòe nhòe mờ ảo trong một cái trí nhớ đang dần suy tàn, nhưng tôi vẫn nhớ những buổi các thầy trên Sở xuống “luyện gà”. Thầy viết đề thi lên bảng, rồi giải từng câu hỏi bằng cách đọc, đọc chậm từng câu trong đáp án, với tốc độ đủ để học sinh chép theo.
Và cứ thế cho đến hết giờ. Điều đặc biệt là ở phần kết của bài văn bao giờ cũng phải có câu: “Cảm ơn tác giả, vì...”. Hồi ấy tôi đã thấy lạ lắm, bởi cái công thức “cảm ơn tác giả” này cứ lặp đi lặp lại suốt, bất kể làm văn “phát biểu cảm tưởng” hay nghị luận về tác phẩm nào. Tôi nhớ là mình đã nhiều phen loay hoay với suy nghĩ: Việc gì tôi lại phải cảm ơn tác giả? Viết, là chuyện của các ông các bà ấy. Viết xong, in ra, được chúng tôi đọc là may lắm rồi, tác giả nên cảm ơn chúng tôi vì đã đọc tác phẩm của họ mới phải chứ? Bởi nghĩ thế nên khi đi thi học sinh giỏi, bao giờ tôi cũng bỏ tiệt những cảm ơn cảm huệ hoa lá cành ra khỏi bài làm của mình.
Rồi đến chuyện sách. Tất nhiên hồi ấy chẳng trông mong gì sách ở thư viện của trường. Nhưng tôi đã có những nguồn cung sách riêng cho mình. Nguồn từ cửa hàng sách nhân dân nằm kế bên Nhà hát Lớn Hải Phòng mà tôi vẫn đáo qua đáo lại hàng tuần. Và nguồn từ những cuốn sách mà bố và các chú tôi tiện tay mua về cho tôi ở quầy bán sách trong phòng chờ các sân bay Cát Bi (Hải Phòng) và Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh).
Tôi đọc đêm đọc ngày, đủ loại thập cẩm cùng một lúc: truyện Tàu, truyện Tây, truyện thiếu nhi, truyện trinh thám, truyện lịch sử, truyện danh nhân văn hóa Việt Nam và thế giới, truyện bộ đội ta chiến đấu anh dũng, rồi cả truyện “võ hiệp kỳ tình” – gọi nôm là truyện chưởng – của Tra Lương Dung, tức Kim Dung tiên sinh lừng lẫy xứ Cảng Thơm. Riêng cái món chưởng này thì phải đi thuê để đọc, ở mãi tít khu Thượng Lý. Sách đen xì, rách nát, phải giấu trong bụng mang về chứ không dám chường ra, vì hồi đó nó vẫn bị coi là “hắc thư”, sách cấm.
Nhớ có lần đang mải mê đọc trong giờ học thì bị cô giáo dạy văn tóm sống, tuyên bố tịch thu. Ấy là cuốn “Những con chim ẩn mình chờ chết” của bà Colleen McCullough, sau này tôi mới biết nó còn có một bản dịch khác, phổ biến hơn với cái tên “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Tôi tiếc hùi hụi vì đang đọc dở. Nhưng một tuần sau cô trả lại, kèm vài câu răn đe. Chắc một tuần cô cũng đã kịp đọc xong cuốn sách vào loại rất khó kiếm ở thị trường miền Bắc hồi ấy.
Lên cấp III, vào trường THPT Ngô Quyền khét tiếng, tôi mới thực sự được gặp thầy dạy môn Văn của mình. Thầy tên Hà Thúc Chỉ, cựu sinh viên khóa 1 khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, làm thơ lấy bút danh Thúc Hà. Hồi trẻ thầy có dính líu gì đấy đến việc in bài trên tập san “Đất mới”, một tờ báo văn chương đại khái là rất “có vấn đề”, nên bị đẩy một phát về Phòng làm anh giáo phổ thông.
Giờ nghỉ, thầy hay ngồi quán uống rượu trắng, kéo thuốc lào mù mịt và say sưa bình truyện Kiều. Còn trong giờ học, hơn ba mươi năm rồi, thú thực, tôi không còn nhớ thầy đã dạy những gì, chỉ nhớ có lần thầy phê vào bài kiểm tra học kỳ của tôi bằng một câu gồm sáu chữ: “Em cần viết say hơn nữa”. Thiên địa quỷ thần ơi. Tôi tin rằng cho đến bây giờ cũng rất hiếm giáo viên nào phê vào bài làm văn của học sinh theo cách ấy. Sáu chữ đó, không gì khác, là sự đồng lõa, tiếp tay, tiêm thêm doping vào cái máu văn chương của đứa học trò đầu xanh tuổi trẻ.
Khi nói rằng thầy cô giáo chính là người phải chịu phần lớn trách nhiệm về việc học sinh yêu hay ghét môn Văn, là tôi đang nghĩ tới trường hợp thầy giáo dạy văn cấp III của tôi, nhà thơ Thúc Hà Hà Thúc Chỉ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.