Vaccine ung thư và bệnh tim sẽ được ‘trình làng’ vào năm 2030
Hãng dược nổi tiếng Moderna cho biết các mũi vaccine ung thư và bệnh tim mà họ nghiên cứu sẽ sẵn sàng vào năm 2030.
Theo tiến sĩ Paul Burton, Giám đốc điều hành của hãng dược Moderna, vaccine ung thư và bệnh tim của họ có thể được ‘trình làng’ vào năm 2030.
Vị tiến sĩ này cho biết những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực mRNA - công nghệ được sử dụng để tạo ra vaccine hàng đầu ngừa COVID của Moderna - đã mở ra một kỷ nguyên vàng cho các loại vaccine. Ông dự đoán rằng đến năm 2030 sẽ có vaccine cho "tất cả các loại" bệnh hiện chưa có thuốc chữa và sẽ cứu sống "hàng trăm nghìn, thậm chí cả hàng triệu sinh mạng".
Tiến sĩ Burton nói thêm các nghiên cứu ban đầu đã cho thấy "hứa hẹn to lớn" và hãng sẽ cho ra đời những loại vaccine khác được cá nhân hóa.
Không chỉ dừng lại ở vaccine mRNA ngừa bệnh truyền nhiễm
Bệnh tim và ung thư là những ‘kẻ giết người’ hàng đầu ở Hoa Kỳ, là nguyên nhân gây ra 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm, tương đương với hơn ⅓ tổng số ca tử vong được ghi nhận tại quốc gia này.
Trả lời tờ The Guardian, tiến sĩ Burton nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ có các loại vaccine đó và nó sẽ có hiệu quả cao, sẽ cứu sống hàng trăm nghìn, thậm chí cả hàng triệu sinh mạng".
"Chúng tôi sẽ có thể cung cấp các loại vaccine ung thư được cá nhân hóa để chống lại nhiều loại ung thư khác nhau cho mọi người trên khắp thế giới."
"Trong những năm gần đây, nhiều người nghĩ rằng công nghệ mRNA chỉ dành để chế tạo vaccine phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, hoặc chỉ dành cho COVID. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, các bằng chứng đều cho thấy điều này không hoàn toàn đúng. Công nghệ mRNA có thể được áp dụng cho tất cả các loại bệnh. Chúng tôi đang nghiên cứu vaccine công nghệ này cho bệnh ung thư, bệnh truyền nhiễm, bệnh tim mạch, bệnh tự miễn và các bệnh hiếm", tiến sĩ Burton cho hay.
"Chúng tôi có các nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực đó và tất cả đều cho nhiều hứa hẹn."
Vaccine ung thư mRNA hoạt động thế nào?
Vaccine mRNA hoạt động bằng cách dạy các tế bào cơ thể tạo ra một loại protein kích hoạt phản ứng miễn dịch để chống lại một mầm bệnh cụ thể, chẳng hạn như COVID.
Các nhà khoa học cho biết công nghệ này cũng có thể khiến các tế bào tạo ra các kháng nguyên từ bề mặt tế bào ung thư, cảnh báo hệ thống miễn dịch về các tế bào ung thư và cuối cùng là tiêu diệt tế bào ung thư.
Để được tiêm vaccine ung thư, trước tiên các bác sĩ cần sinh thiết khối u của bệnh nhân và xác định kháng nguyên trên các tế bào ung thư, sau đó mã hóa vaccine mRNA để kích hoạt các tế bào tạo ra cùng một loại kháng nguyên.
Sau đó, vaccine sẽ được tiêm cho bệnh nhân, kích hoạt các tế bào của người bệnh tạo ra kháng nguyên, đồng thời kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại tế bào ung thư.
Các tế bào miễn dịch sau đó sẽ được ‘đào tạo’ để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại trong cơ thể và tiêu diệt các tế bào ung thư tái phát.
Các bác sĩ cho biết vaccine mRNA có thể được điều chỉnh để phù hợp với từng bệnh nhân. Chính vì thế, loại vaccine này sẽ khá đắt đỏ.
Các thử nghiệm vaccine ung thư mRNA đã được tiến hành ở Anh, Mỹ và kết quả dự kiến sẽ có trong các tháng sắp tới. Vào tháng 2 vừa qua, vaccine ung thư của Moderna đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận là "liệu pháp đột phá".
Loại vaccine này sẽ được tiêm cùng với một loại thuốc trị liệu miễn dịch do Hãng dược phẩm Merck sản xuất và dùng để điều trị cho những bệnh nhân đang điều trị ung thư ác tính giai đoạn tiến triển hoặc những người có nguy cơ cao tái phát ung thư.
Một thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy sự kết hợp giữa 2 liệu pháp này giúp giảm 44% nguy cơ tái phát hoặc tử vong sau phẫu thuật ung thư so với việc dùng riêng thuốc điều trị miễn dịch.
Vaccine bệnh tim đang được nghiên cứu ở giai đoạn đầu. Loại vaccine này hoạt động bằng cách nhắm mục tiêu vào các protein làm tăng lượng cholesterol trong máu. Cholesterol là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Một số chuyên gia cho rằng vaccine này cũng có thể thúc đẩy cơ thể sản xuất các protein cụ thể liên quan đến việc làm lành các tế bào tim cũng như cải thiện chức năng của tim.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái, các nhà khoa học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã sử dụng mRNA để tái tạo các tế bào tim của chuột và loại bỏ các tế bào bị xơ hóa.
Vaccine mRNA cũng có thể dùng để điều trị các bệnh tự miễn - tình trạng xảy ra khi cơ thể tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng. Trong bệnh đa xơ cứng, các tế bào miễn dịch tấn công các tế bào thần kinh và gây ra các triệu chứng như co thắt cơ, đau và hạn chế vận động.
FDA cũng đã chứng nhận "vaccine đột phá" cho vaccine virus hợp bào hô hấp RSV của Moderna. Kết quả cho thấy vaccine này có hiệu quả 83% trong việc ngăn ngừa ít nhất 2 triệu chứng gồm ho và sốt, ở người lớn từ 60 tuổi trở lên.
Hãng dược Pfizer cũng đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối cho vaccine cúm công nghệ mRNA và đang phát triển các loại vaccine ngừa các bệnh khác như bệnh zona.
(Nguồn: Daily Mail)