Từng học kém nhất lớp, nữ sinh săn loạt học bổng 'xịn' từ 20 triệu đồng đi mượn
Trước khi chinh phục loạt thành tích xuất sắc, Phương từng nhận mình 'học dốt nhất lớp chuyên Sinh trường Ams, 6.5 điểm tiếng Anh cuối kì trên lớp. Cô có giai đoạn hoàn toàn thờ ơ với việc học và không có ý định đi du học.
Năm 26 tuổi, chuẩn bị tốt nghiệp cao học loại xuất sắc Đại học Purdue University, Mỹ (GPA 3.81/4), Vũ Anh Phương (sinh năm 1996, Hà Nội) được một số công ty tại Mỹ mời về làm việc trước khi nhận bằng.
Năm 23 tuổi, 5 tháng trước khi tốt nghiệp đại học, Phương trúng tuyển làm nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ của trường Purdue University, USA (xếp top 10 của Mỹ về lĩnh vực khoa học) với mức tài trợ hơn 61 nghìn USD/năm.
Trước đó, cô gái này còn xuất sắc giành được hơn 10 học bổng: Học bổng toàn phần YSEALI Academic Fellowship của Bộ Ngoại giao Mỹ; Học bổng Visiting Scholarship của đại học University Missouri để làm khóa luận tốt nghiệp; Học bổng toàn phần SEED của Chính phủ Canada;
Học bổng toàn phần của Hiệp hội ASEAN tham dự chương trình ASEAN Foundation's Model ASEAN Meeting) tại Singapore; Học bổng Kovalevskaia Scholarship từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Học bổng NCKH từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... và một số học bổng khác.
Hiện cô đang làm nghiên cứu về cây trồng biến đổi gen cho một công ty Biotech lớn có chi nhánh tại bang Indiana, Mỹ. Phương cũng sáng lập cộng đồng Scholarship EZ, nơi chia sẻ kinh nghiệm săn học bổng với hơn 55 nghìn người theo dõi và trực tiếp giúp hàng trăm sinh viên Việt Nam xin học bổng toàn phần, và xin việc làm ở môi trường quốc tế.
Tuy nhiên, ít ai ngờ trước khi chinh phục loạt thành tích xuất sắc kể trên, Anh Phương từng nhận mình "học dốt nhất lớp chuyên Sinh trường Ams, 6.5 điểm tiếng Anh cuối kì trên lớp. Cô có giai đoạn hoàn toàn thờ ơ với việc học và không có ý định đi du học.
Từng tự nghi ngờ bản thân vì mình là... người bình thường
Phương kể, thời điểm cô học ở Ams, lớp có rất nhiều bạn học chăm chỉ, "cắm đầu cắm cổ vào học". Trong đó, không ít bạn có quyết tâm học tiếng Anh để đi du học, nhưng bản thân Phương Anh thì hai chữ "du học" xa vời như một giấc mơ không thể nào với tới được vậy. Bởi theo cô, những người đi du học đều có thành tích rất cao, nghiên cứu khoa học nhiều, tiếng Anh giỏi. Còn mình chỉ là một người bình thường, không quá thông minh, nhà không giàu cũng sẽ không thể là "con nhà người ta"…
"Bố mẹ mình chỉ là công chức nhà nước, không thể chi trả chi phí sinh sống ở nước ngoài. Lúc đấy động lực để học của mình chỉ là "vì bố mẹ mình bảo phải học thật chăm" chứ không nghĩ đấy là cái mình muốn. Mình cũng không quan tâm đến tiếng Anh vì hồi đó mình xác định thi Đại học khối A và khối B (các môn khoa học tự nhiên) nên mình chỉ học tiếng Anh sao cho đạt loại học sinh khá ở lớp thôi", Anh Phương nhớ lại.
Chỉ đến khi học hết lớp 12, bắt đầu vào đại học, nhìn thấy rất nhiều bạn bè cùng lớp giờ đã được đi học nước ngoài. Những chia sẻ của các bạn ấy trên mạng xã hội khiến Anh Phương nhận ra mình đã bỏ lỡ những gì khi không cố gắng học.
Từ đó, cô quyết tâm học lại tiếng Anh từ sách giáo khoa lớp 9, lớp 12. Quyển sách giáo khoa tiếng Anh lớp 9 giúp Anh Phương học lại từ những thì ngữ pháp cơ bản nhất (2 tuần), sau đó cô mua sách luyện thi tiếng Anh đại học để làm các bài tập (2 tuần). Khi đã dành 1 tháng để học những ngữ pháp cơ bản, cô mua thêm cách sách luyện đề TOEFL. Những quyển sách này rất dày nên Anh Phương mất vài tháng để học.
Mỗi ngày Anh Phương dành tối thiểu 2 tiếng học tiếng Anh ngoài thời gian học trên lớp và học thêm, cố gắng học thêm được 40-60 từ mới/tuần. Cô luôn dành tối thiểu 8-10 tiếng/ngày để học, kể cả thứ bảy, chủ nhật, nghỉ hè, nghỉ Tết trong suốt 4 năm đại học. Sau hai năm thì cô trở thành chủ nhiệm CLB tiếng Anh của trường.
Sau đó Phương thuyết phục bố mẹ cho mượn 20 triệu đồng tiền học thêm tiếng Anh ở một trung tâm lớn để đầu tư (2 khóa) và hứa khi nào có tiền sẽ trả. Gia đình không có điều kiện tài chính để đi tự túc nên Anh Phương quyết tâm học thật tốt đại học ở Việt Nam, rồi sau đó xin các suất học bổng toàn phần ở nước ngoài.
Kết quả, sau 4 năm, tiếng Anh của cô vừa đủ điều kiện để đi học ở nước ngoài. không chỉ gửi lại bố mẹ số tiền "vay" ngày xưa để đi học tiếng Anh, Anh Phương còn đưa bố mẹ sang Mỹ du lịch gần 1 tháng và đã đỗ khoảng 10 học bổng toàn phần để đi đến các nước Mỹ (3 lần), Nhật, Hàn, Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) mà không tốn một đồng tiền nào của bản thân hay bố mẹ.
Theo Anh Phương, động lực để mình có những thay đổi chính là khi nhìn thấy được mục tiêu, thấy được việc học hành chăm chỉ sẽ đạt được những "quả ngọt" gì. Và các bạn cùng lớp ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chính là những người gián tiếp cho cô nhìn thấy động lực đó.
Nếu chọn cách cố gắng chạy thật nhanh, mình sẽ tìm thấy cơ hội của mình
Sau nhiều lần đỗ học bổng, Anh Phương phát hiện ra rằng, việc không ngừng oán trách thế giới này và hợp lý hóa sự thành công của người khác không giúp bạn học được gì. Phê phán người khác không khiến bạn trở nên tốt hơn. Ngược lại khiến bạn rơi vào vòng xoáy của sự tiêu cực, không có tiền bằng với định kiến không thể thành công.
"Mình không sinh ra đã giàu. Nhưng mình biết rằng nếu mình chọn cách cố gắng chạy thật nhanh, mình sẽ tìm thấy cơ hội của mình, chứ không mặc định đó đã là bi kịch, không bỏ cuộc, không chấp nhận số phận của mình. Sự lựa chọn của bạn quyết định việc bạn sẽ trở thành một người như thế nào. Mình lựa chọn chuyên tâm vào việc làm thế nào để khiến mình trưởng thành, làm thế nào để giải quyết mọi vấn đề khó khăn bằng sức mạnh bản thân.
Hay thậm chí là hòa đồng với những kiểu người khác nhau, với những người có hoàn cảnh khác với mình. Thay thế sự bài bác bằng sự đồng cảm. Muốn học hỏi, hãy đọc nhiều sách, nói chuyện với những người phía trên, đi học thêm.
Muốn đi mở mang tầm mắt, hãy đi du học, xin học bổng. Muốn giàu có, hãy chăm chỉ học hỏi và làm việc, không ngừng tìm kiếm cơ hội xung quanh. Xuất thân sẽ không quyết định việc bạn trở thành một người như thế nào, chỉ có chính bạn mới có thể quyết định bạn là ai", Phương chia sẻ.
Sự lựa chọn này giúp Anh Phương thành công có tên trong danh sách nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ ở trường đại học top 10 thế giới về khối ngành STEM ngay sau khi tốt nghiệp đại học, giúp cô có một gia đình hạnh phúc với người chồng ở đây. Hoàn thành ước nguyện du học mà không tiêu tốn một đồng tiền nào của cha mẹ. Đồng thời giúp cô trả hết tất cả những món nợ học phí bằng chính sức lực của mình vào năm 23 tuổi.
Không chỉ vậy, Anh Phương còn có thể góp một chút nhỏ cho các dự án xã hội, cũng như từ thiện cá nhân. "Xuất thân sẽ không quyết định việc bạn trở thành một người như thế nào. Chỉ có chính bạn mới có thể quyết định bạn là ai", cô nói.
4 yếu tố quan trọng để chinh phục học bổng
Anh Phương cho rằng, người ta chỉ thực sự cố gắng khi nhận thức được rõ tầm quan trọng của việc học, nên chừng nào thế giới quan và nhận thức của bạn chưa thay đổi thì kết quả và hành động sẽ không thay đổi.
Một khi đã có một nhận thức và động lực tốt, thì chuẩn bị càng sớm càng tốt sẽ giúp thay đổi kết quả được rất nhiều. Anh Phương may mắn được nhiều người công nhận là có "sức bật rất tốt" nên mặc dù nhận thức về tầm quan trọng của việc học chậm hơn nhiều bạn nhưng do có phương pháp học cũng như quyết tâm thực hiện nên cuối cùng cô cũng đã bật lên được.
4 yếu tố quan trọng nhất trong việc săn học bổng du học theo Anh Phương bao gồm thành tích học tập (GPA, nghiên cứu khoa học, giải thưởng), hoạt động ngoại khóa (khả năng lãnh đạo và tinh thần phục vụ cộng đồng ), khả năng sử dụng tiếng Anh (TOEFL, GRE) và có động lực cá nhân tốt.
Theo cô, các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam có ưu điểm là rất ham học hỏi, có quyết tâm muốn đi du học để cải thiện thế giới quan và chất lượng cuộc sống, chăm chỉ, điểm học ở trên lớp tương đối tốt. Tuy nhiên, nhiều bạn ít có khả năng tự học, tự tìm hiểu, ít va chạm, có nhiều hoạt động ngoại khóa nhưng không biết chọn lọc để tham gia những hoạt động phù hợp.
Để xin được học bổng toàn phần không phải là câu chuyện 1 tháng hay 2 tháng, mà cần có sự chuẩn bị trong một khoảng thời gian dài. Một năm trước kỳ đăng ký xin học bổng chỉ là giai đoạn cuối cùng của việc chuẩn bị hồ sơ, còn quá trình tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm và thành tích của mình thì phải kéo dài 2-3 năm.
Cần tập trung học tiếng Anh nhưng đồng thời vẫn phải cân đối với thời gian học trên lớp, tham gia hoạt động ngoại khóa và học các chứng chỉ một cách có chọn lọc, tìm hiểu kỹ về đất nước và chuyên ngành bạn muốn theo đuổi. Nên có tối thiểu 3 người đi trước đồng hành trong quá trình săn học bổng du học.