Nữ sinh đạt 8.5 IELTS ngay ở lần thi đầu chia sẻ cách ôn luyện để đạt mức điểm này trong vòng 3 tháng
Minh Châu đã có những chia sẻ hữu ích xoay quanh việc ôn luyện chứng chỉ ngoại ngữ IELTS.
Nguyễn Minh Châu (SN 2004, Hà Nội) đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Em từng là cựu học sinh lớp chuyên Anh, trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Châu có thành tích học tập khá tốt, đặc biệt là ở môn tiếng Anh. Ngay ở lần đầu tiên thi chứng chỉ ngoại ngữ IELTS vào năm lớp 12, em đã đạt tổng điểm là 8.5.
Hiện tại, dù mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất nhưng Minh Châu đã tích cực đi dạy thêm môn tiếng Anh. Em muốn truyền tải những kiến thức, kinh nghiệm mình có được để giúp các bạn trẻ trau dồi ngôn ngữ. Từ kinh nghiệm bản thân, nữ sinh có những chia sẻ hữu ích về quá trình học bộ môn này.
Làm sao để chọn một khóa học IELTS đáng học?
Minh Châu nhận thấy, ngày nay các trung tâm luyện IELTS "mọc lên như nấm" và gần giống nhau về tài liệu, chương trình đào tạo. Bên cạnh những địa chỉ uy tín thì có không ít nơi chỉ "đổ tiền" vào marketing nhằm thu hút học viên, hơn là phát triển chuyên môn.
Vì thế không ít học viên sau khi kết thúc khóa học, lộ trình vẫn không có sự tiến bộ, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Để đưa ra lựa chọn đúng đắn, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, phụ huynh và học sinh cần đánh giá kỹ lưỡng một khóa học IELTS. Với kinh nghiệm học tập, ôn luyện IELTS trong 6 năm qua ở nhiều trung tâm khác nhau, Châu đã đúc rút được một số lưu ý trước việc tìm kiếm và lựa chọn địa chỉ uy tín.
1. Nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân:
Châu cho rằng, trước khi chọn lựa trung tâm ôn luyện IELTS, các bạn cần hiểu rõ bản thân, nghĩa là biết điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Để biết điều đó, bạn có thể tự theo dõ mình bằng cách:
- Trên lớp: Hãy "mock test (bài thi thử) đầu khóa, "progress check" (theo dõi tiến độ) giữa và cuối khóa, thực hành trên lớp
- Feedback (đánh giá) bài tập về nhà cần bao gồm hướng dẫn cải thiện chứ không đánh giá đơn thuần.
2. Kiến thức về:
- Bài thi chứng chỉ: Cấu trúc bài thi, cách chấm điểm, chiến lược làm bài, các lỗi thường gặp,...
- Kĩ năng: Nghe - Nói - Đọc - Viết, tư duy phát triển ý, cách diễn giải, cách học và ứng dụng ngữ pháp, từ vựng,...
- Nền ngôn ngữ: Nắm chắc kiến thức về ngữ pháp, từ vựng,...
- Kiến thức/hiểu biết xã hội cần có để tạo nội dung (trong Nói & Viết)
3. Hoạt động (chứ không chỉ bài tập) để thực hành kỹ năng và nâng cao nền ngôn ngữ
Một khóa học IELTS "dùng được" cần cho bạn hình dung rõ ràng về những mục tiêu bạn cần đạt được những điều bạn cần làm ngay bây giờ. Quan trọng hơn, các hoạt động trong khóa học cần thiết kế với mục đích tập trung như: Rèn khả năng diễn giải, xây dựng hệ thống luận điểm hay ứng dụng ngữ pháp,...
Bên cạnh đó, trung tâm cần có một/nhiều kênh trao đổi để học viên được lắng nghe, được đề xuất ý kiến và tìm kiếm sự hỗ trợ dễ dàng nhất. Vì vậy, khi cân nhắc một khóa học, bạn có thể hỏi những học viên đã và đang theo học hay chính bộ phận tư vấn xem họ có thể cung cấp 3 điều trên.
Mình muốn gửi tới các bạn lời động viên: "Always, we try to do better next time" (Tạm dịch là: Chúng tôi luôn luôn cố gắng làm tốt ở lần sau).
1. Bước 1 - Phân tích kỹ cấu trúc bài thi
Tương tự khi chuẩn bị cho các bài thi chuẩn hóa khác, việc hiểu format (cấu trúc) bài thi và tiêu chí chấm rất quan trọng. Tìm hiểu kỹ sẽ giúp bọn mình hiểu 2 thứ: Điều kiện để một bài thi được đánh giá 8.0+ và mình cần cải thiện điều gì.
Rút kinh nghiệm từ bản thân, do không tìm hiểu tiêu chí chấm, mình đã bị "nghẽn" ở con số 7.0 cho phần thi Nói (Speaking) trong nhiều năm dù trình độ tiếng Anh đã đủ để đỗ vào một trong những lớp top đầu chuyên Anh ở trường THPT chuyên ngoại ngữ. Thế nên, ngay khi bắt đầu tìm hiểu và chuẩn bị có chiến lược, mình đã cải thiện đáng kể, tăng từ 7.0 lên 8.0 sau 1-2 tháng. Điều này mình áp dụng cả với phần thi Viết Writing.
2. Bước 2 - Lập kế hoạch ôn thi, chọn phương pháp
Một kế hoạch tốt cần có mục tiêu rõ ràng. Điều này phải bắt nguồn từ việc hiểu rõ điểm mạnh, yếu hiện tại. Và mình cũng lên một danh sách ưu tiên những lỗi có thể sửa nhanh/cần sửa lập tức, những lỗi cần sửa dần dần. Từ đó, mình tự nhìn nhận vấn đề của bản thân, đây là khâu quan trọng nhất quyết định tốc độ và hiệu quả đối với cả quá trình ôn luyện. Vì vậy, ở bước này, mình khuyên mọi người nên tìm sự trợ giúp từ những cá nhân đã có kinh nghiệm ôn thi và đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, phương pháp luyện cũng rất quan trọng. Chúng ta cần tìm hiểu kỹ, chứ đừng vội nghe truyền thông thổi phồng như phương pháp "tắm" ngôn ngữ hay gì đó tương tự. Mình đã đi học nhiều năm ở các trung tâm khác nhau nhưng chưa trung tâm nào dạy mình phương pháp ôn luyện.
3. Bước 3 - Vào việc & Hợp tác
Muốn quá trình ôn IELTS hiệu quả thực chất không cần nhiều tài liệu như bạn nghĩ. Nhưng chúng ta cần chọn lọc, tổng hợp nguồn, luyện tập và đánh giá. Nếu bạn làm một mình, cả quá trình sẽ yêu cầu nhiều thời gian và động lực. Còn làm "nhiều mình" thì chúng ta có thể chia sẻ vướng mắc với nhau, luyện nói hàng tuần và đưa ra feedback (đánh giá) cho nhau.
Mình đã tiến bộ nhanh nhờ: Chủ động chữa bài cho bạn và học những từ hay bạn dùng trong những buổi hẹn luyện tập hàng tuần.
Cuối cùng, các bạn chuẩn bị tâm lý để không rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng. Hãy "Ăn ngon, ngủ kỹ, luyện tập bền bỉ".
Ảnh: NVCC