Nữ nhiếp ảnh gia có quan điểm dạy con khác biệt: Không né tránh xung đột, muốn con ngoan phải ý thức tự "chữa lành"
Nhiều bậc cha mẹ còn mang những vết thương thời thơ ấu. Rồi đến lượt mình, họ lại vô thức đem cách ứng xử, dạy dỗ đó vào trong quá trình giáo dục con trẻ.
Một lần, vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Tiểu Ni (32 tuổi, nhiếp ảnh gia về ẩm thực, hiện đang sống ở Đà Lạt) tranh luận khá gay gắt trong bếp. Bỗng nhiên cô con gái Nguyễn Ngọc Hạ Nhiên (Mins, 5 tuổi) đứng lấp ló, miệng cười khúc khích: "Chị Ni và daddy (bố) xong chưa ạ? Em đói bụng lắm rồi, mình đi ăn đi" (con gái hay gọi mẹ là "chị Ni", xưng em). Thế là cả nhà cùng cười vang, chẳng còn mâu thuẫn gì tồn tại nữa.
Đó là một trong rất nhiều lần hai vợ chồng chị Ni bất đồng quan điểm. Và cũng từng ấy lần, hai người không ngần ngại tranh luận, đưa ra ý kiến phản biện ngay trước mặt con, thay vì "đóng cửa bảo nhau" như nhiều cặp đôi khác.
Thời gian đầu, bé Nhiên khá buồn, con bảo chỉ muốn bố mẹ yêu thương nhau. Tuy nhiên sau khi nghe mẹ giải thích rõ ràng, con nhận thức được kỹ về việc tranh luận của bố mẹ, bé đối diện với vấn đề này với thái độ rất hiển nhiên, không áp lực.
Chị Ni và con gái Nguyễn Ngọc Hạ Nhiên (5 tuổi).
Tranh luận không cần giấu giếm, miễn là có chọn lọc
Như nhiều cặp đôi khác, trong thời gian tìm hiểu, chị Ni và người chồng hiện tại từng nhiều lần xảy ra mâu thuẫn, cãi vã khi cái tôi của cả hai quá cao. Dần dần, họ rút kinh nghiệm và thống nhất khi có bất đồng chỉ tranh luận, không tranh cãi, không bạo lực, kể cả về ngôn ngữ lẫn hành động.
Mọi cuộc tranh luận trước mặt con, hai vợ chồng đều có chọn lọc. Những vấn đề mang tính cá nhân và nghiêm trọng hơn, họ sẽ chọn không gian riêng. Vậy nên sẽ không lo lắng chuyện con chứng kiến người lớn mất bình tĩnh.
Để con hiểu tranh luận là điều bình thường trong một gia đình, chị Ni lựa thời điểm thích hợp, tâm sự tỉ tê: "Mins ơi, cho dù chị Ni và daddy yêu thương nhau thế nào thì cũng không tránh khỏi có lúc có mâu thuẫn, hiểu lầm. Cũng như đã rất nhiều lần chị Ni la em, em nói chị Ni không thương em rồi bọn mình buồn, không nói chuyện với nhau. Hay em và daddy giỡn quá mức rồi giận nhau, không chơi với nhau nữa. Nhưng sau tất cả, bọn mình vẫn làm hoà, vẫn yêu thương nhau, vẫn cần nhau và rút ra được bài học để lần sau không như vậy nữa phải không?".
Nhiều bậc phụ huynh khi có bất đồng sẽ chọn cách kéo nhau vào phòng, tránh to tiếng trước mặt con. Nhưng đôi khi họ không biết rằng bên trong cánh cửa khi hai người lớn đang cố ý hay vô tình tổn thương nhau, thì bên ngoài cánh cửa cũng đang có một hay nhiều đứa trẻ mang vác thêm những tổn thương sâu sắc trong trái tim, trong cả tâm hồn.
Chị Nguyễn Ngọc Tiểu Ni, (32 tuổi, nhiếp ảnh gia về ẩm thực, hiện đang sống ở Đà Lạt).
Chị Ni và chồng có giao kèo, anh là lựa chọn duy nhất của em và ngược lại. Hai người phải có trách nhiệm đến cùng với sự lựa chọn của mình. Khi có mâu thuẫn, sẽ cố gắng giải quyết, cùng nhau bước qua chứ không né tránh, không chiến tranh lạnh.
Với con gái, chị Ni muốn thông qua những cuộc tranh luận dạy cho con hiểu và chấp nhận rằng: sự khác biệt, mâu thuẫn, bất đồng là điều rất khó tránh khỏi trong bất kỳ mối quan hệ nào, dù là bố mẹ, con cái, người yêu, bạn bè, đồng nghiệp,…
Nó tồn tại hiển nhiên ngay cả trong mối quan hệ lành mạnh, với tình yêu vô điều kiện. Điều quan trọng nhất ở đây là cho dù có như thế nào thì đôi bên vẫn có thể chọn cùng nhau giải quyết vấn đề, cư xử tôn trọng, văn minh, tử tế với nhau.
Theo chị, thường xuyên mâu thuẫn trước mặt con thì không nên, nhưng đôi khi lại cần thiết. Tuy nhiên, cho dù có tranh luận thì cũng tranh luận trong tình yêu thương, đích đến cuối cùng là để thấu hiểu nhau hơn, mối quan hệ gắn bó, phát triển bền chặt hơn. Chứ không phải vừa gặp xung đột, đã vội "quay lưng chạy trốn".
Chị Ni cho rằng, tranh luận chứ không tranh cãi, không dùng bạo lực gồm cả ngôn ngữ lẫn hành động.
Ý thức tự chữa lành "đứa trẻ bên trong mình" để dạy con tốt hơn
Là một bà mẹ cầu tiến, chị Ni từng tham khảo rất nhiều sách, tài liệu nuôi dạy con khác nhau. Tuy nhiên, một điều mà nữ nhiếp ảnh gia này lưu tâm nhất và luôn cố gắng thực hiện - hơn cả hàng chục phương pháp giáo dục con, đó chính là học cách vỗ về và chữa lành những tổn thương của "đứa trẻ bên trong" bản thân mình.
Nhiều bậc cha mẹ còn mang trong mình những vết thương thời thơ ấu. Tiềm thức còn lưu giữ ký ức của những lần bị đòn roi, la mắng, bị lạnh nhạt hoặc thiếu quan tâm. Rồi đến lượt mình, họ lại vô thức mang cách ứng xử, dạy dỗ đó vào trong quá trình giáo dục con của mình. Cả hai vợ chồng chị Ni đều từng tổn thương. Quan trọng là họ nhận thức được và sau đó có những hành động thiết thực để những chuyện đó không tiếp diễn nữa.
"Qua trải nghiệm cá nhân và những hiểu biết của mình thì cha mẹ là người trực tiếp ảnh hưởng đến con mình, là người gieo mầm nhân cách cho trẻ. Người ta chỉ có thể cho những gì họ có. Cha mẹ hạnh phúc sẽ nuôi dạy nên những đứa con hạnh phúc. Và ngược lại, dù muốn hay không. Cha mẹ tổn thương sẽ vô tình làm tổn thương con của mình. Vì vậy, cha mẹ ý thức được tầm quan trọng của việc này càng sớm càng tốt", chị Ni nói.
Chồng chị Ni hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ và tôn trọng cách dạy con của vợ mình.
Hành trình "chữa lành" của chị Ni không phải ngày một ngày hai. Đầu tiên, chị nhận thức được mình có những tổn thương gì. Sau đó, chị tìm đến những người có chuyên môn để yêu cầu được hỗ trợ, đọc sách, tham khảo nhiều nguồn tài liệu, quán chiếu, quan sát bản thân,... để xoa dịu thương tổn. Từ từ, chị trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình và kết nối bền chặt với con.
Một điều chị Ni thấy may mắn là chồng luôn đồng hành bên cạnh mình, đồng thời, hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ và tôn trọng cách dạy con của vợ. Có đôi khi chị quá nghiêm khắc với con, anh cũng xót nhưng chỉ nói nhỏ: "Em ơi, anh thấy con khóc anh thương quá”. Hoặc đôi khi thấy anh chiều con quá thì chị sẽ nhắc nhẹ chồng để điều chỉnh lại.
Từ khi có con, những phẩm chất tốt đẹp nhất bên trong hai vợ chồng như được đánh thức.
Chị Ni cho rằng, bản thân mình dạy con rất nghiêm khắc, nhưng nghiêm khắc trong tình yêu thương. Chị tập cho con tự lập, rèn cho con cách đưa ra quyết định, có chính kiến. Con rất sợ mẹ, nhưng là sợ mẹ buồn. Con hiểu rõ mẹ luôn muốn những điều tốt cho mình chứ không phải kiểu răm rắp nghe lời vì sợ đòn roi, sợ bị trừng phạt.
"Từ khi có con, những phẩm chất tốt đẹp nhất bên trong hai đứa mình như được đánh thức. Cả hai vẫn đang hoàn thiện bản thân ngày càng tốt hơn để trở thành tấm gương tốt cho con noi theo. Mong con sau này bước ra đời sẽ là một cô gái thông minh cảm xúc, trái tim ngập tràn tình yêu thương, vững vàng đón nhận và nhẹ nhàng giải quyết mọi "bài toán" dòng đời đưa tới.
Dẫu vẫn biết đứa con gái bé bỏng của mình trước sau gì rồi cũng sẽ học được những điều này, không từ gia đình thì sẽ từ xã hội. Thế nhưng bản năng làm mẹ, luôn muốn bảo vệ và làm những điều tốt nhất cho con, mình vẫn mong con học được bài học này càng sớm càng tốt, trong tình yêu thương chứ không phải qua tổn thương", nữ nhiếp ảnh gia nói.