Những bước tiến vượt bậc trong chuyên ngành ghép tạng
Hơn 3 thập kỷ nỗ lực không ngừng, ngành y học Việt Nam đã đạt được kỳ tích trong lĩnh vực ghép tạng, trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng ca ghép mỗi năm. Những ca ghép tạng đã kéo dài sự sống cho nhiều bệnh nhân đang đứng trước ngưỡng cửa tử.
Làm chủ những kỹ thuật khó
Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức một cuộc gặp gỡ đặc biệt mang tên “Những lá phổi hồi sinh” của 3 người được ghép phổi vẫn sống khỏe mạnh. Đó là những người bệnh từng cận kề cửa tử. Nếu không được ghép phổi, thời gian sống của họ chỉ còn vài tháng. Họ là những người may mắn được ghép phổi, được nhận món quà tặng vô giá của sự sống là những lá phổi mới; giờ đây, họ đều khỏe mạnh, có thể sống và làm việc, học tập như những người bình thường khác. Đây cũng là 3 ca ghép phổi thành công cao nhất trong số 12 ca ghép phổi đã được triển khai ở nước ta, thành công tương đương các trung tâm ghép phổi lớn trên thế giới.
Ở Việt Nam, đã có hàng nghìn người được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp. Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới từ thế kỷ 20. Mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm nhưng Việt Nam tự hào vì trình độ ghép tạng của chúng ta đã ngang bằng nhiều nước. Không chỉ làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng như thận, tim, gan, tụy, phổi, giác mạc... mà tỷ lệ sống sau ghép tạng ở nước ta cao hơn so với một số quốc gia phát triển. Chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, bằng khoảng 1/8 ở Thái Lan, bằng 1/24 ở Hoa Kỳ. Chính yếu tố này đã khiến nhiều bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội sống. Năm 2024 đánh dấu bước tiến vượt bậc trong chuyên ngành ghép tạng nước nhà, nổi bật là ca ghép tim-gan đồng thời đầu tiên tại Việt Nam và ca ghép khí quản từ người cho chết não-một kỹ thuật rất khó trong ghép tạng. Những con số này không chỉ là niềm tự hào của ngành ghép tạng Việt Nam mà còn là minh chứng cho lòng nhân ái và sự đồng lòng của cộng đồng trong việc hiến tặng mô, tạng cứu sống người bệnh. Ngoài ra, số lượng người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết cũng đã tăng gấp 3 lần so với những năm trước. Việc này phần nào giúp đáp ứng nhu cầu ghép tạng ngày càng cao trong khi tỷ lệ người hiến tạng còn khá thấp so với nhu cầu thực tế.
![]() |
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện một ca ghép tạng. Ảnh: VIỆT ĐỨC |
Theo số liệu từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, sau hơn 30 năm hoạt động, bắt đầu với ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6-1992, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 9.516 ca ghép tạng, với sự tham gia của 27 bệnh viện và trung tâm. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam đã thực hiện thành công khoảng 1.000 ca ghép tạng, mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thành công của những ca ghép tạng thể hiện rõ những tiến bộ vượt bậc về trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu và kinh nghiệm của ngành y tế Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng. Không chỉ tuyến Trung ương thực hiện tốt kỹ thuật này mà nhiều tuyến địa phương cũng làm chủ được kỹ thuật, chuyên môn.
“Cho đi là còn mãi”
Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ghép tạng là cơ hội cuối cùng để giành lại sự sống cho những bệnh nhân mà không có lựa chọn nào khác. Thực tế tại Việt Nam và trên thế giới hiện có nhiều người đang khắc khoải sống hằng giờ, hằng ngày chờ được ghép tạng. Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “Mở lòng nhân ái-Lan tỏa yêu thương-Thắp sáng niềm tin-Tiếp nối hy vọng-Gieo mầm sự sống” vì “cho đi là còn mãi”, trong năm 2024, hàng chục chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người đã được thành lập. Không chỉ các cơ sở y tế công lập mà cả các cơ sở y tế tư nhân cũng tích cực tham gia vận động hiến tạng từ người chết não. Nhờ đó, số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời đã tăng lên nhiều lần so với các năm trước.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, mỗi hành động hiến tạng là một câu chuyện của lòng nhân ái. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ đến tấm lòng nhân ái của một gia đình khi con trai họ không may bị tai nạn giao thông và qua đời vào đầu tháng 4-2024. Khi gia đình đồng ý hiến tạng, hơn 100 thầy thuốc đã tập trung cao độ thực hiện lấy, bảo quản, vận chuyển và ghép tạng thành công cho 7 người. Hay như tấm lòng của gia đình điều dưỡng Lê Thị Thùy Linh, công tác tại Bệnh viện E, mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến chết não, gia đình đã đồng ý hiến tặng mô, tạng đem lại sự sống mới cho 4 người bệnh khác. “Chúng ta trân trọng và biết ơn sâu sắc những người hiến tạng và gia đình họ, những “người hùng thầm lặng” của cuộc sống. Chính họ đã tạo nên những kỳ tích, viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, mang đến hy vọng và cơ hội sống cho nhiều người bệnh đang ngày đêm chờ đợi được ghép tạng”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Hành trình xây dựng nguồn tạng hiến dồi dào đòi hỏi nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ, ngành y tế và cộng đồng. Chỉ khi nhận thức xã hội được nâng cao, những rào cản văn hóa và tâm lý được tháo gỡ, Việt Nam mới có thể khai thác trọn vẹn tiềm năng của mình, mang lại cơ hội sống cho hàng vạn bệnh nhân. “Chúng ta đã có sự liên kết rất tốt giữa các bệnh viện trong các khâu hiến và ghép tạng. Đây là sự dám nghĩ, dám làm trong khi điều kiện hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, ngành y đã làm được với tốc độ rất cao. Chưa bao giờ Việt Nam có được thành tích liên tục như vậy. Tương lai Việt Nam sẽ đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới về kỹ thuật ghép tạng và tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não”, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.
HƯƠNG THU