Người trường thọ thường ngừng làm 4 việc này từ khi 60 tuổi để đẩy lùi bệnh tật, kéo dài tuổi thọ
Đây là 4 thói quen người trường thọ không bao giờ làm kể từ khi 60 tuổi để hạn chế nguy cơ mắc bệnh và kéo dài tuổi thọ.
60 tuổi là thời kỳ quyết định tuổi thọ của một người vì đây là thời điểm cơ thể bắt đầu lão hóa. Chức năng của các cơ quan dần suy yếu, khả năng chuyển hóa, trao đổi chất của cơ thể cũng trở nên kém hiệu quả hơn. Do đó, ở độ tuổi này, con người cũng phải đối diện với nguy cơ mắc nhiều bệnh tật chẳng hạn như bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc ung thư,... Các bệnh lý này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tuổi thọ của con người.
Tuy nhiên, những người trường thọ dường như có thể vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng. Nguyên nhân là do họ bắt đầu loại bỏ các thói quen xấu và xây dựng các thói quen tốt từ khi bước sang tuổi trung niên. Theo đó, từ 60 tuổi, nếu từ bỏ 4 thói quen xấu dưới đây, mọi người hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, thọ đến trăm tuổi.
Người trường thọ ngừng làm 4 việc này từ khi 60
1. Bỏ thói quen hút thuốc và uống rượu bia
Nếu bạn nghiện thuốc lá và thường xuyên uống rượu bia, hãy cai chúng càng sớm càng tốt. Khi bước sang tuổi 60, mọi người nên loại bỏ rượu bia và thuốc lá ra khỏi thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Thường xuyên sử dụng rượu bia có liên quan trực tiếp đến sức khỏe tim mạch. Uống quá nhiều rượu có thể gây ảnh hưởng đến cơ tim và tăng nguy cơ mắc đột quỵ, suy tim. Rượu cũng được xem là một trong những yếu tố nguy cơ rối loạn chuyển hóa, gây thừa cân, béo phì. Điều này có thể gây ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ do rượu, viêm gan, viêm tụy,... Lạm dụng rượu bia cũng làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư và đẩy nhanh quá trình lão hóa sinh học, gián tiếp “cắt giảm” tuổi thọ.
Ngoài rượu bia, hút thuốc lá cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Hút thuốc là một trong những tác nhân gây ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư vòm họng... Thường xuyên sử dụng thuốc lá cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh tim mạch, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác.
2. Ngừng thức khuya
Khi còn trẻ, sức khỏe dồi dào, mọi người thường có thói quen thức khuya để làm việc, vui chơi, giải trí, tụ tập cùng bạn bè. Tuy nhiên, thói quen này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là khi đã bước vào độ tuổi 60.
Thường xuyên thức khuya có thể gây thiếu ngủ và ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Thiếu ngủ trong thời gian dài có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn. Ngoài ra, thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc có thể làm rối loạn nhịp sinh học, thay đổi nội tiết tố, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người ngủ ít hơn 6-7 tiếng mỗi đêm có thể nguy cơ mắc béo phì, huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác cao hơn. Các bệnh lý này đều gián tiếp gây ảnh hưởng tới tuổi thọ.
Các chuyên gia khuyến cáo, người sau 60 tuổi cần duy trì một lịch trình giấc ngủ đều đặn, xây dựng thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm để đảm bảo chất lượng giấc ngủ, ổn định sức khỏe.
3. Từ bỏ chế độ ăn nhiều muối, nhiều chất béo
Như đã nói ở trên, khi bước vào tuổi 60, chức năng chuyển hóa của các cơ quan trong cơ thể dần suy giảm. Việc ăn các thực phẩm chứa nhiều muối, nhiều chất béo có thể làm tăng gánh nặng cho cơ thể, từ đó tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và bệnh mạn tính.
Chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao, bệnh thận, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều muối còn có thể gây viêm loét dạ dày và tá tràng, thậm chí là tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Bên cạnh đó, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cũng có thể làm tăng mức cholesterol LDL "xấu", khiến chất béo dễ tích tụ trong thành mạch. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch như xơ vữa động mạch, đau tim, đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của con người.
4. Ngừng lười biếng
Khi bước sang tuổi 60, nhiều người bắt đầu có thói quen lười vận động, lười đi khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, những thói quen lười biếng này có thể trở thành mối nguy cho sức khỏe.
Thiếu vận động sẽ khiến cơ thể dần trở nên ì trệ. Lười vận động kèm theo chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ béo phì, dễ dẫn đến các bệnh mạn tính.
Bên cạnh đó, nhiều người lớn tuổi rất ngại đi khám định kỳ vì sợ phát hiện ra bệnh. Tuy nhiên, sau 60 tuổi, các cơ quan trong cơ thể đã bắt đầu lão hoá, chức năng cơ thể dần suy giảm, mọi người sẽ dễ bị mắc các bệnh chuyển hóa như: mỡ máu, tiểu đường, tim mạch, loãng xương,...
Do đó, các chuyên gia khuyến khích người trung niên, người cao tuổi nên tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe. Đồng thời, sau 60 tuổi, mọi người cũng nên duy trì thói quen đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra tình trạng sức khỏe và phát hiện, điều trị bệnh kịp thời (nếu có).