Khớp ngón tay bị sưng đau không chỉ do viêm khớp
Mặc dù viêm khớp là nguyên nhân phổ biến khiến khớp ngón tay bị sưng đau nhưng các tình trạng sức khỏe khác như mề đay do lạnh, chấn thương, tiền sản giật hay các vấn đề tiềm ẩn khác.
Khớp ngón tay bị sưng đau thường là kết quả của tình trạng viêm do nhiễm trùng, chấn thương hoặc bệnh tật. Vết sưng có thể cấp tính (đột ngột và kéo dài), do gãy xương, vết cắt bị nhiễm trùng hoặc hội chứng ngón tay bật. Sưng đau khớp ngón tay cũng có thể là do tình trạng mãn tính (dai dẳng hoặc tái phát) như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút và các bệnh khác.
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến khớp ngón tay bị sưng đau cùng triệu chứng điển hình mà bạn có thể tham khảo.
1. Nguyên nhân khiến khớp ngón tay bị sưng đau
Một số tình trạng có thể gây sưng ngón tay. Hầu hết đều bị viêm nhưng một số thì không.
1.1. Chấn thương
Các chấn thương tại bàn tay và ngón tay như ngón tay bị dập nát, bị đập vào vật cứng gây đau và sưng với các biểu hiện:
- Tụ máu dưới da
- Gãy xương
- Bong gân hoặc căng cơ
- Trật khớp hoặc bán trật khớp
- Đứt, rách gân...
Sau một chấn thương thì cơ thể sẽ phản ứng với tình trạng viêm và quá trình lưu thông máu tăng lên tới vùng bị thương nhằm hỗ trợ quá trình chữa lành vết thương và loại bỏ nhiễm trùng. Điều này sẽ khiến ngón tay bị sưng đau, tấy đỏ và nóng ấm.
1.2. Viêm khớp nhiễm khuẩn
Khi nhiễm khuẩn tại khớp ngón tay xảy ra kèm theo tổn thương mô mềm có thể phát triển và ảnh hưởng tới khớp ngón tay gây ra sưng khớp ngón tay, đau nhức kèm theo sốt cao, ớn lạnh và đau mỏi cơ thể. Nếu viêm khớp nhiễm khuẩn không được điều trị có thể dẫn tới các tổn thương khớp nghiêm trọng khác.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp nhiễm khuẩn bao gồm:
- Tuổi cao trên 80 trở lên
- Bệnh tiểu đường
- Viêm khớp dạng thấo
- Phẫu thuật khớp gần đây
- Thay khớp háng hoặc đầu gối
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
- Người bị suy giảm miễn dịch.
1.3. Viêm xương khớp
Viêm xương khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất có liên quan tới lão hóa, trong đó áp lực lâu dài lên khớp gây ra sự thoái hóa của sụn. Khi sụn bị mất và xương bắt đầu cọ xát vào nhau có thể dẫn tới tình huống tái tạo xương bất thường, gây ra gai xương, biến dạng khớp... chính điều này dẫn tới sưng đau khớp ngón tay và ảnh hưởng tới khả năng vận động của khớp.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp tay bao gồm:
- Tuổi tác lớn
- Nữ giới có nguy cơ cao hơn nam giới
- Có tiền sử gia đình mắc các bệnh viêm khớp
- Nghề nghiện liên quan tới chuyển động tay nhỏ lặp đi lặp lại nhiều lần như làm tóc, làm bánh...
1.4. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một dạng bệnh tự miễn khiến hệ miễn dịch tấn công các khớp (thường là ở cả hai bên cơ thể). Khi cuộc tấn công này xảy ra theo từng giai đoạn bùng phát sẽ gây đau, cứng khớp và trong những trường hợp nặng hơn có thể bị biến dạng khớp. Các khớp ngón tay cũng không ngoại lệ.
Mặc dù chưa rõ nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp là gì nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bao gồm:
- Trên 60 tuổi
- Nữ giới
- Lịch sử gia đình có người mắc viêm khớp dạng thâos
- Có thói quen hút thuốc lá
- Béo phì.
1.5. Viêm khớp vẩy nến
Viêm khớp vẩy nến (PsA) là một loại viêm khớp tự miễn, viêm khác gây đau khớp và cứng khớp. Khoảng 30% người mắc bệnh vẩy nến phát triển bệnh PsA. Những người mắc bệnh vẩy nến và PsA thường (nhưng không phải luôn luôn) được chẩn đoán mắc bệnh vẩy nến trước tiên.
Khớp liên ngón xa (distal interphalangeal) - các khớp gần đầu ngón tay của bạn nhất - thường bị ảnh hưởng bởi PsA. PsA cũng đặc trưng bởi tình trạng ngón tay, ngón chân xúc xích (dactylitis) trong đó, ngón chân hoặc ngón tay của bạn sưng lên như xúc xích.
Ngoài triệu chứng này thì người mắc PsA còn gây mệt mỏi, rụng móng hoặc rỗ móng, đau bụng, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy và viêm màng bồ đào.
1.6. Bệnh gout
Bệnh gout là một loại viêm khớp không tự miễn dịch khác xảy ra do sự tích tụ axit uric trong máu. Axit uric kết tinh, tạo thành các cụm tinh thể axit uric cứng lại trong khớp gọi là hạt tophi. Ngón chân cái thường bị ảnh hưởng nhất, nhưng các ngón chân hoặc ngón tay khác cũng có thể bị sưng đau dữ dội và cứng khớp.
Nếu không được điều trị, các hạt tophi có thể dẫn tới nhiễm trùng, loét da và các bệnh lý thần kinh như tê hoặc cảm giác như kim châm.
1.7. Lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn toàn thân gây đau và viêm khắp cơ thể. Da và khớp cùng các cơ quan nội tạng khác đều có thể bị ảnh hưởng. Lupus ban đỏ có thể gây ra nhiều triệu chứng như mệt mỏi cực độ, nhức đầu, sốt nhẹ, đau và sưng khớp hay phát ban hình con bướm ở má và mũi.
Giống như viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus thường ảnh hưởng nhiều tới khớp ở cả hai bên cơ thể, bao gồm cổ tay, bàn tay và ngón tay. Các triệu chứng thường ít nghiêm trọng hơn so với viêm khớp dạng thấp.
Từ 5% đến 10% số người mắc bệnh lupus phát triển các biến dạng khớp ngón tay, chẳng hạn như biến dạng cổ thiên nga (trong đó khớp giữa bị cong về phía sau) và lệch xương trụ (trong đó các ngón tay hướng về phía ngón út).
1.8. Xơ cứng bì
Xơ cứng bì là một bệnh tự miễn dịch mạn tính, không rõ căn nguyên , đặc trưng về lâm sàng bởi tình trạng dầy và cứng da do sự tích luỹ collagen, liên quan đến nhiều hệ cơ quan bao gồm ống tiêu hoá, tim, phổi, thận và mạch máu.
Một trong những triệu chứng ban đầu của bệnh xơ cứng bì là sưng đau khớp bàn tay và ngón tay, đặc biệt là buổi sáng sau khi thức dậy. Ngoài ra còn có các triệu chứng xơ cứng bì khác như rụng tóc, hụt hơi, đau khớp hay triệu chứng tiêu hóa...
Ngoài các vấn đề kể trên thì một vài nguyên nhân gây sưng đau khớp ngón tay khác có thể kể đến như mề đay, cước, hội chứng ống cổ tay... tình trạng này có thể kèm theo cảm giác ngứa ngáy ở ngón tay. Các vấn đề sức khỏe như đái tháo đường, bệnh lao, bệnh giang mai có thể khiến ngón tay sưng tấy nhưng đây là một triệu chứng hiếm gặp ở các bệnh này.
Tiền sản giật thường xuất hiện vào cuối thai kỳ cũng có thể gây sưng tấy tay và mặt bất thường kèm theo đau nhức đầu, thay đổi thị lực, tăng cân và đau bụng. Điều trị sớm tiền sản giật rất quan trọng để đảm bảo cho quá trình mang thai và sinh nở được an toàn.
Chế độ ăn uống nhiều muối cũng có thể khiến ngón tay bị sưng tấy, tình trạng này sẽ giảm trong vòng 1 ngày nhưng có thể lâu hơn tùy theo lượng muối mà bạn đã ăn. Tuy nhiên nếu bạn đã giảm lượng muối trong chế độ ăn mà điều này vẫn xảy ra, bạn nên thăm khám bác sĩ sớm.
Một số loại thuốc có tác dụng phụ khiến ngón tay và bàn tay bị sưng như thuốc huyết áp cao, thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc tránh thai... Nói chuyện với bác sĩ để có giải pháp thay thế thuốc hoặc hướng dẫn khác.
2. Khi nào sưng đau khớp ngón tay cần gặp bác sĩ?
Tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng khớp ngón tay bị sưng đau là gì mà biện pháp điều trị sẽ khác nhau. Nếu cơn đau và sưng tấy tại khớp ngón tay không cải thiện sau vài ngày, bạn nên thăm khám bác sĩ để được can thiệp y tế phù hợp.
Đặc biệt là nếu tình trạng sưng khớp ngón tay kèm theo các triệu chứng khác như khớp nóng lên, sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, cực kì mệt mỏi thì bạn cần tới cơ sở y tế ngay lập tức.