Hơn 3.500 người đến khám nghi nhiễm cúm tại BV Bệnh Nhiệt đới TW
Hơn 3.500 người đến khám nghi nhiễm cúm tại BV Bệnh Nhiệt đới TW chỉ có 178 trường hợp nhập viện điều trị. Về cơ bản đều là những trường hợp mắc cúm thông thường chưa ghi nhận chủng độc lực cao.
Chưa ghi nhận chủng cúm độc lực cao
TS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết thời gian qua có lúc hàng trăm bệnh nhân đến khám cúm tại BV Bệnh Nhiệt đới TW mỗi ngày, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em.
"Tuy nhiên trong số hơn 3.500 người đến khám triệu chứng nghi nhiễm cúm, số bệnh nhân có test nhanh dương tính với cúm A là 1.134 ca và 34 trường hợp cúm B; có 178 trường hợp nhập viện điều trị. Về cơ bản đều là những trường hợp mắc cúm thông thường chưa ghi nhận chủng độc lực cao"- Phạm Ngọc Thạch cho biết.
TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thêm mỗi năm nước ta ghi nhận 600.000 - 1 triệu ca cúm thường ; Tại một số địa phương, một số bệnh viện tuyến cuối ghi nhận sự gia tăng của bệnh cúm.
Cụ thể, Quảng Ninh ghi nhận hơn 1.200 ca, Hà Nội hơn 2.000 ca có tăng nhẹ nhưng không ghi nhận ca có triệu chứng nặng, không có tử vong, chủ yếu là cúm thường.
"Thời gian qua nhiều tỉnh, thành ghi nhận các trường hợp cúm nhập viện gia tăng, trong đó phần lớn là các chủng cúm A không có độc lực cao như H5N1, H5N6, H5N8, H7N9. Tuy nhiên, chúng ta cần tăng cường giám sát trọng điểm, phát hiện các ca bệnh tại cộng đồng, xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh và truyền thông để người dân hiểu và dự phòng"- TS Nguyễn Lương Tâm nói.
Lý giải nguyên nhân số ca cúm A tăng, TS Nguyễn Lương Tâm phân tích, trong 2 năm dịch COVID-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm ít.
Tuy nhiên sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng. Vì vậy số ca mắc có xu hướng tăng, nhưng đến nay, chúng ta chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A, các ca phần lớn đều có triệu chứng nhẹ.
Tự ý sử dụng Tamiflu điều trị cúm: 'Dễ tiền mất - tật mang'
Thế nhưng thời gian gần đây nhiều người dân đã tự tìm mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir để điều trị cúm trong khi theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế: Đây là loại thuốc được chỉ định đối với trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế.
BS Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm (Đại học Y Hà Nội), thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO khuyến cáo người dân không nên tự ý mua Tamiflu để điều trị bệnh cúm, vì thuốc Tamiflu hiện nay chủ yếu sử dụng đối với bệnh nhân mắc cúm nặng, hoặc đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng.
"Với những người không có bệnh lý nền, khỏe mạnh, khi mắc cúm triệu chứng nhẹ, việc dùng Tamiflu không cần thiết.
Nếu sử dụng Tamiflu không đúng cách, sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Giống như vi khuẩn, virus cũng có khả năng kháng thuốc điều trị, nên việc sử dụng Tamiflu quá mức có thể gia tăng sự xuất hiện virus kháng thuốc. Điều đó làm mất khả năng điều trị cúm khi bệnh nhân tiến triển nặng"- BS. Vũ Quốc Đạt nói.
Cũng liên quan đến bệnh cúm, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế mới đây đã yêu cầu bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc; Xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng virus điều trị cúm.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế: Tamiflu là loại thuốc được chỉ định đối với trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế
Những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền như phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ gan, bệnh tim mạch…
Bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm vì đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… người dân không nên chủ quan. Nếu có các triệu chứng nặng nên vào viện để được hỗ trợ, đặc biệt là để được phân lập, xác định chủng virus cúm đang mắc phải để có hướng điều trị kịp thời.
Ngoài ra, để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…
Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế vừa có văn bản hoả tốc yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ chỉ đạo tăng cường việc khám sàng lọc các trường hợp viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi, giám sát các trường hợp nhập viện, ca bệnh nặng, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong, thực hiện lấy mẫu để xét nghiệm hoặc chuyển tới Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Báo cáo kịp thời về Bộ Y tế và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur khi phát hiện các trường hợp bất thường.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, sàng lọc bệnh. Đảm bảo công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, đặc biệt chú ý đối với các trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, lao phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,...), người già và trẻ em nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.