Địa phương nào cấm ép học sinh mua đồng phục?
Chỉ còn thời gian ngắn nữa năm học 2023-2024 sẽ bắt đầu. Câu chuyện mua đồng phục học sinh lại “nóng” các diễn đàn.
Chuyện mua đồng phục học sinh lại “nóng”
Mới đây, một tài khoản mạng xã hội vừa đăng tải đoạn clip phản ánh việc thu nhận hồ sơ và tổ chức nhập học cho học sinh lớp 10, trong đó có cuộc trao đổi giữa học sinh và một người hướng dẫn về việc mua đồng phục đầu năm học. Cụ thể, trong cuộc trò chuyện, một giọng người nữ hướng dẫn học sinh mua các loại đồng phục và nói rõ không đeo balo đồng phục, bảo vệ không cho vào cổng trường.
Cũng trong clip, nữ học sinh bày tỏ nguyện vọng chỉ muốn mua thêm áo đồng phục vì đã có váy, nhân viên nói không được vì "đồng phục tính theo đơn vị bộ".
Nữ sinh này tiếp tục trình bày: "Tại nhà có mấy cái váy mới mua nữa sẽ bỏ uổng".
Lúc này, nhân viên đề nghị: "Bây giờ mày không đủ ấy thì mua 2 bộ sơ mi, 1 bộ thể dục trước đi".
Đoạn clip được cho là quay tại Trường THPT Bình Phú - một trường công lập nằm trên địa bàn quận 6, Tp.HCM.
Không đề cập tới giá tiền của các món đồ, người đăng tải clip chỉ đưa ra thắc mắc liệu có nhất thiết phải đồng phục cả balo hay không và đồng phục có nhất thiết bắt buộc phải mua theo bộ hay có thể tách lẻ?
Chia sẻ liên quan đến vấn đề này trên báo Dân Trí, ông Trần Nghĩa Nhân - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú xác nhận đoạn clip trên phản ánh hoạt động tại trường này. Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng sự việc không hoàn toàn như phản ánh.
Theo Hiệu trưởng, từ đầu, ông đã chỉ đạo không ép buộc học sinh bất cứ điều gì mà tùy nguyện vọng để đăng ký. Thông tin này cũng được đưa lên CLB Truyền thông của trường và giải đáp tới thí sinh.
"Cả balo hay đồng phục, nhà trường không bắt buộc học sinh phải mua. Thông tin không đeo balo, bảo vệ không cho vào cũng không chính xác. Số lượng học sinh mua balo cũng không phải tất cả", ông Nhân khẳng định.
Riêng các nội dung trong clip, ông cho rằng đây là lời của nhân viên bán hàng, sau khi tiếp nhận phản ánh nhà trường đã có chấn chỉnh.
Câu chuyện mua đồng phục mỗi dịp năm học mới luôn là đề tài xã hội nóng bỏng. Dù có nhiều chỉ đạo của cơ quan chức năng về vấn đề này nhưng dường như đây là bài toán khó có lời giải.
Có con học lớp 8 một trường THCS tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, chị Trần Thị Thu Trang chia sẻ, mỗi chiếc áo, quần đồng phục không quá đắt, chỉ từ 150.000 đồng đối với áo sơ mi, 250.000 đồng đối với áo khoác mùa đông. “Tuy nhiên, điều mình mong muốn là năm nay chất lượng vải được cải thiện vì năm ngoái vải quần dày, cứng, chất liệu nhiều ni lông không thấm hút mồ hôi trong khi các con mặc đồng phục cả tuần rất tội. Nhất là đồng phục thể dục cần vải mềm mại, co giãn, nhưng trên thực tế vải dày, nóng”, chị Trang nói.
Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội), cho biết, đồng phục là vấn đề do thoả thuận của cha mẹ học sinh với đơn vị cung ứng. Nhà trường chỉ tham gia với vai trò đưa ra mẫu mã đồng phục phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh. Phòng GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường phải đưa ra các mẫu đồng phục đơn giản, giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế của phụ huynh, tránh gây tốn kém, lãng phí.
“Cơ quan quản lý cũng nghiêm cấm các trường ép học sinh mua đồng phục mới đầu năm học. Nhiều năm nay, đơn vị chưa nhận được ý kiến phản ánh của phụ huynh về việc trường thay đổi mẫu mã, làm khó phụ huynh. Nếu có, Phòng GD&ĐT sẽ xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm”, ông Hậu nói.
Đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới. Nhà trường có thể cung cấp mẫu để phụ huynh chủ động mua cho học sinh và không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.
Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các trường học tuyệt đối không được tự ý thay đổi mẫu
Ngày 10/8 vừa qua, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sở đã ban hành văn bản triển khai một số hoạt động đầu năm và hướng dẫn tổ chức khai giảng năm học 2023-2024, trong đó, có quy định về đồng phục học sinh.
Theo văn bản của Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2022, sở đã có chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện đồng phục theo quy định. Tuy nhiên, một số trường chưa thực hiện nghiêm, gây phiền hà và tốn kém cho gia đình học sinh, sinh viên. Do đó, năm nay, sở tiếp tục chỉ đạo thực hiện đúng quy định và có sự giám sát để giảm bớt khó khăn cho phụ huynh.
Đáng chú ý, sở này cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục toàn tỉnh chịu trách nhiệm trước giám đốc sở nếu để ra sai sót, lạm thu về đồng phục học sinh.
Cụ thể, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các trường tuyệt đối không bắt buộc học sinh may hay mua đồng phục mới vào đầu năm học. Nhà trường không tự ý thay đổi mẫu đồng phục, nếu có thay đổi cần báo trước và được sự đồng thuận của ban đại diện phụ huynh học sinh của trường.
Sở yêu cầu không in phù hiệu trên áo, không may thêm các họa tiết như: cà vạt, nơ, viền… trên đồng phục học sinh và lễ phục. Bảng tên học sinh, phù hiệu (logo) do trường làm riêng và trang bị cho học sinh vào đầu năm học để học sinh tự may hoặc ép trên áo.
Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có cụ thể hoá quy định về đồng phục cho học sinh phải đơn giản, phù hợp lứa tuổi, điều kiện thời tiết và dễ tìm mua hoặc may để không tạo ra sự khác biệt giữa các học sinh với nhau.
Theo đó, với học sinh, sinh viên nam là áo sơ mi trắng (không có viền, không có nơ, không sọc), quần tây màu đen hoặc xanh đen, đi dép có quai hậu hoặc giày.
Đối với học sinh, sinh viên nữ cấp tiểu học và THCS là áo sơ mi trắng, quần tây màu đen hoặc xanh đen, đi dép có quai hậu hoặc giày. Ngoài ra, nữ cấp tiểu học còn có thêm sự lựa chọn là mặc váy quá đầu gối màu đen hoặc xanh đen thay cho quần.
Còn cấp THPT, GDTX, sinh viên trường cao đẳng sư phạm là áo sơ mi trắng, quần tây màu đen hoặc xanh đen, đồng phục áo dài trắng vào lễ chào cờ thứ 2 hàng tuần và đi dép có quai hậu hoặc giày.
Riêng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thực hiện đồng phục áo trắng quần trắng trong những giờ học chính khóa buổi sáng.
Về đồng phục học môn thể dục, thực hiện chung cho học sinh, sinh viên toàn trường một kiểu dáng, màu sắc, chất liệu hoặc mỗi khối/mỗi khoa một màu và duy trì ổn định trong cả một niên khóa học tập.
Trẻ mầm non mang trang phục gọn gàng, phù hợp lứa tuổi, thuận tiện cho các hoạt động tại trường.
Đối với trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, khuyến học sinh sử dụng trang phục của dân tộc mình để tham gia các ngày Lễ chào cờ và các ngày lễ lớn của nhà trường.
Vễ quỹ hội cha mẹ học sinh
Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay vẫn còn có tình trạng một số trường chưa thực hiện đúng quy định, vẫn còn lạm thu quỹ phụ huynh học sinh hoặc huy động tài trợ không đúng quy định, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, chức năng Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định tại Thông tư số 55 năm 2011 của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, Ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, học sinh.
Về kinh phí hoạt động, Bộ quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản không tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban, như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường.
Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không được thu các khoản tiền phục vụ việc khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường, thông tin trên báo Đại Đoàn Kết.