Bộ Y tế bố trí đủ, kịp thời vaccine phòng bệnh sởi
Thực hiện Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 15-3 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi, Bộ Y tế cho biết hoàn toàn bảo đảm bố trí đủ số lượng vaccine trên cơ sở đề xuất theo nhu cầu của từng địa phương.
Bộ Y tế cho biết, đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai tiêm bù, tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi cho các đối tượng chưa được tiêm đủ mũi và tiêm chủng chiến dịch (9 tỉnh, thành phố đã hoàn thành các chiến dịch; 54 tỉnh, thành phố đang tiếp tục triển khai). Trong tổng hợp nhu cầu của 54 tỉnh, thành phố đang triển khai chiến dịch, ước tính cần khoảng 200.000 liều vaccine sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi và 900.000 liều cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi.
Về nguồn cung vaccine phòng bệnh sởi, Bộ Y tế đã huy động viện trợ từ Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam 500.000 liều (200.000 liều cho nhóm trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, 300.000 liều cho nhóm trẻ từ 6 đến 10 tuổi) để triển khai chiến dịch. Đối với nhóm trẻ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi, sẽ được tiêm bù mũi sử dụng vaccine theo Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025.
![]() |
Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi. Ảnh: Phong Lan |
Về năng lực cung ứng vaccine trong nước, thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC), ngoài 500.000 liều nêu trên, hiện nay, trong kho của đơn vị này còn 240.000 liều vaccine sởi-rubella. Ngoài ra, POLYVAC đã sản xuất và đang kiểm định 300.000 liều vaccine sởi đơn và sẽ sản xuất thêm khoảng 600.000 liều vaccine sởi đơn từ nay đến hết tháng 3-2025. Trong trường hợp có nhu cầu, mỗi tuần, đơn vị này sẽ đáp ứng được khoảng 300.000 liều vaccine (sởi đơn hoặc Sởi-Rubella).
Bộ Y tế cho hay, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 40.000 ca nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 3.447 trường hợp dương tính với sởi tại 61 tỉnh, thành phố; 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2024 (111 trường hợp). Số trường hợp nghi sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (57%), miền Trung (19%), miền Bắc (15%)...
Một số tỉnh, thành phố có số mắc xu hướng tăng cao như: Đà Nẵng (2.043 ca), Gia Lai (1.879 ca), Khánh Hòa (1.661 ca), Đồng Tháp (1.202 ca), An Giang (1.046 ca), Nghệ An (737 ca), Kon Tum (624 ca), Cao Bằng (582 ca), Quảng Nam (499 ca), Đắk Lắk (621 ca), Lâm Đồng (476 ca).
Một số tỉnh có số mắc thấp, tuy nhiên cần chú ý giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, không để lây lan trong cộng đồng, như: Thái Nguyên (13 ca), Yên Bái (5 ca), Lạng Sơn (7 ca), Bắc Kạn (14 ca), Hòa Bình (8 ca), Bắc Giang (45 ca), Bắc Ninh (144 ca).
Một số tỉnh có số mắc cao nhưng bắt đầu chững lại và dần được kiểm soát, như: Lào Cai (1180 ca), Hà Giang (6.017 ca), Hà Tĩnh (547 ca), Bình Thuận (1.208 ca), Bạc Liêu (1.167 ca), TP Hồ Chí Minh (3.321 ca), Bình Dương (2.085 ca), Đồng Nai (4.099 ca), Tây Ninh (668 ca), Cà Mau (1.995 ca).
Số ca mắc sởi có nguy cơ tiếp tục gia tăng, do đó công tác phòng, chống dịch sởi cần phải được thực hiện khẩn trương, bằng nhiều biện pháp. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương phân bổ, vận chuyển vaccine kịp thời tới các tỉnh, thành phố để triển khai tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm đủ mũi và tiêm chủng chiến dịch, bảo đảm hoàn thành chậm nhất tới ngày 31-3.
THÁI SƠN