Việt Nam sắp cán mốc 100 triệu người, trở thành nước đông dân thứ 15 của thế giới
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết dân số Việt Nam sẽ sớm đạt 100 triệu người và dấu mốc này sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới.
“Đây nên được xem là cột mốc quan trọng đối với Việt Nam, và xin được chúc mừng Chính phủ Việt Nam bởi đây là minh chứng cho câu chuyện thành công. Từng là quốc gia bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam nay đã thành công trong việc đưa người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và đạt mức tăng trưởng kinh tế - xã hội đáng ghi nhận trong lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm, tiến bộ công nghệ…”, thông báo của UNFPA nêu.
UNFPA nhấn mạnh dân số 100 triệu đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo và động lực mạnh mẽ của đất nước.
Thời điểm UNFPA phát động chiến dịch #8BillionStrong vào năm ngoái nhân kỉ niệm thế giới đạt mốc 8 tỉ dân, 100 triệu người dân Việt Nam chính là tượng trưng cho “100 triệu hi vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp”.
Việt Nam hiện có tỉ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước. 21,1% tổng dân số là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 24. Thời kì dân số vàng của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn đến năm 2039 với sự hiện diện của các nhóm dân số trẻ có năng suất lao động cao, đồng thời có thể khai thác lợi thế về cơ cấu dân số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước hơn nữa.
UNFPA cũng chỉ ra những thách thức đặt khi cả tỉ lệ tử vong và mức sinh đều giảm, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành tiến trình quá độ dân số. Mọi người dân Việt Nam ngày nay được sống khỏe mạnh hơn và hưởng thọ cao hơn là một thành tựu quan trọng. Song, sự suy giảm tỉ lệ sinh và hạn chế mức sinh trong những thập kỉ vừa qua đang khiến cho dân số Việt Nam già đi nhanh chóng.
“Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 khi dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 15,5 triệu người, chiếm hơn 14% tổng số dân. Ngoài ra, do tâm lý ưa thích có con trai vẫn còn phổ biến trong xã hội Việt Nam, cùng với mức sinh giảm và hạn chế số con cũng như các công nghệ sẵn có nên thực hành lựa chọn giới tính trước sinh đang diễn ra phổ biến, ước tính khoảng 47.000 trẻ em gái bị thiếu hụt mỗi năm. Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này sẽ lên đến 2,5 triệu người vào năm 2059”, UNFPA nhận định.
UNFPA cũng đưa ra một số kiến nghị với Việt Nam:
Thứ nhất, mọi người dân phải được hỗ trợ thực hiện các quyền, trong đó có quyền đưa ra quyết định về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cũng như bình đẳng giới. Với tư cách là cơ quan bảo hộ của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) tổ chức năm 1994 mà Việt Nam đã tham gia, UNFPA khuyến nghị Việt Nam cần tuân thủ một cách đầy đủ những nguyên tắc của ICPD, theo đó các cá nhân và các cặp vợ chồng nên được tự do quyết định một cách có trách nhiệm về số lần sinh, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con. Để làm được như vậy, tất cả chúng ta phải đảm bảo rằng mọi phụ nữ, mọi bà mẹ và mọi cặp vợ chồng đều có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản có chất lượng, và các chính sách xã hội hỗ trợ trẻ em và có thể xem xét hỗ trợ nhà ở cho các cặp vợ chồng trẻ. Theo ước tính của UNFPA trên toàn cầu, cứ 1 USD đầu tư vào sức khỏe bà mẹ có thể mang lại 8,4 USD lợi tức kinh tế vào năm 2050. Tương tự như vậy, cứ 1 USD đầu tư vào công tác kế hoạch hóa gia đình sẽ thu về 10,1 USD lợi tức kinh tế.
Thứ hai, để hưởng trọn vẹn lợi ích mà lợi thế dân số mang lại, UNFPA khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thanh thiếu niên thông qua các chính sách và chương trình y tế, giáo dục, cơ hội việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỉ nguyên mới và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nước. Cũng giống như các nước thu nhập trung bình khác trên thế giới, tình trạng bất bình đẳng và chênh lệch vẫn tồn tại trong nước. Tỉ lệ tử vong mẹ và nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng vẫn cao hơn đáng kể trong nhóm dân tộc thiểu số, lao động nhập cư và thanh thiếu niên. Việt Nam cần tăng cường các chính sách về dịch vụ liên quan đến sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản.
Những thay đổi quan trọng về cơ cấu dân số đang diễn ra tại Việt Nam như một phần của xu hướng lớn toàn cầu hơn bao giờ hết đang thôi thúc Việt Nam lồng ghép một cách thận trọng yếu tố biến động dân số và phân tích nhân khẩu học vào Chiến lược, Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước, cũng như Kế hoạch hành động quốc gia vì sự phát triển bền vững.
“Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến nhu cầu đặc thù của các nhóm dân số dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em gái, thanh thiếu niên, người cao tuổi, dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực gia đình và bạo lực giới. Hơn nữa, với vấn đề già hóa dân số, an sinh xã hội cũng như các cơ chế hỗ trợ và chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi, cần phải được đảm bảo bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận theo vòng đời, và khuyến khích người cao tuổi tiếp tục và mở rộng tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội”, UNFPA khuyến cáo.