Trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam đứng thứ hạng nào ở Đông Nam Á?
Những công trình nghiên cứu giá trị nhưng khó chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn. Những cơ quan nghiên cứu đầu ngành thiếu nhà khoa học trẻ. Cần giải pháp tháo gỡ ra sao?
Khó chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học
Những năm qua, đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng, là lực lượng đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Môi trường điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất và kỹ thuật cho hoạt động của trí thức ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, những hạn chế không khó để thấy thị trường khoa học và công nghệ phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng; Các kết quả nghiên cứu còn tồn tại thực trạng "đút ngăn kéo"; mối liên kết giữa nghiên cứu với đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường và doanh nghiệp còn yếu.
Thiếu nguồn lực đầu tư cho khoa học
15 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 27 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm để tạo môi trường thực sự thúc đẩy sáng tạo.
Kết quả nghiên cứu của các trí thức, nhà khoa học tại Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam là các cấp luận cứ khoa học giúp cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược phát triển đất nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức:
Ông Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay: "Lực lượng đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học của chúng tôi thì đang mỏng dần đi, rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học danh tiếng tên tuổi của đất nước có học hàm học vị cao thì cũng đã đến tuổi được nghỉ chế độ trong khi đó thì thực hiện chính sách tinh giản biên chế nên chúng tôi rất khó trong việc tuyển dụng các nhà khoa học trẻ và bên cạnh đó thì nhiều nhà khoa học giỏi của chúng tôi cũng xin chuyển cơ quan công tác vì các lý do khác nhau, trong đó có một lý do rất đơn giản là sự đảm bảo cho các hoạt động nghiên cứu rồi giải quyết chế độ chính sách là cũng chưa bằng các cơ quan bên ngoài thế nên là thời gian gần đây chúng tôi cũng đang chứng kiến hiện tượng chảy máu chất xám tại chỗ, đấy cũng là vấn đề hết sức đau đầu cho chúng tôi".
Cùng với đó nhà những rào cản trong hoạt động nghiên cứu khoa học như bố trí nguồn lực còn rất hạn hẹp, các thủ tục hành chính trong khoa học còn rườm rà, thậm chí lo giải quyết thủ tục hành chính còn mất nhiều thời gian hơn là dành cho việc tiến hành các hoạt động nghiên cứu. Bên cạnh đó, chức năng phản biện của các nhà khoa học chưa thực sự được phát huy:
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Cần phải có một hành lang pháp lý rõ hơn để cho người ta nắm được cái gì là cái giới hạn, cái gì là cái không gian thì có thể thực hiện thì cái đấy thì người ta yên tâm hơn chứ bây giờ chúng ta đưa ra một cái mới, phát biểu một quan điểm mới, nhưng mà nếu không khéo dễ bị quy chụp lắm. Đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm, đôi khi vì người ta sợ một cái gì đó nó không đảm bảo sự an toàn cho người ta thì người ta không dám nói, như thế thì vô hình chung là chúng ta đang giảm không gian, giảm dư địa của sự sáng tạo rồi".
Trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực theo hướng phát triển nền kinh tế theo chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vai trò của các nhà khoa học vì thế càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Cần nhìn nhận rằng trình độ KH&CN của nước ta có khoảng cách đáng kể so với các nước nhóm đầu khu vực Đông Nam Á và còn tồn tại tồn tại những hạn chế, rào càn cần tiếp tục vượt qua trong giai đoạn tới. Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật vốn là công việc đặc thù, thậm chí rất đặc biệt, việc quản lý cần phải khác so với những lĩnh vực khác, có như vậy mới khơi thông các nút thắt, tạo động lực bứt phá.