Tổng Bí thư Tô Lâm và những trăn trở về lãng phí
Tại phiên thảo luận Tổ ngày 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những chia sẻ về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có ''lãng phí''.
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, sau 40 năm đổi mới, đất nước đã có những thành tựu và phát triển vượt bậc và chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về điều đó. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Tổng Bí thư cũng trăn trở, cần làm sao để phát triển kinh tế xã hội phải đi vào bền vững, thành quả phải đến tận tay người dân, nâng cao được mức sống của người dân, bộ mặt xã hội thay đổi.
Tổng Bí thư Tô Lâm (Ảnh QH) |
Và để có thể sử dụng nguồn lực thật tốt thì cần quan tâm đến vấn đề lãng phí.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm: Dân cho biết có nhiều mảnh đất vàng, nhưng tại sao chục năm rồi vẫn thấy cỏ mọc; phải có ai chịu trách nhiệm chứ, nhà nước cấp thế nào để lãng phí thế này, doanh nghiệp nào được cấp tại sao không làm, không làm thì thu lại theo quy định, tại sao lại để như thế được?
"Nếu vướng thì phải có tháo gỡ, phải có người chịu trách nhiệm. Các vụ án đưa ra, ai vi phạm đã xử lý rồi, tài sản là của Nhà nước, là tiền của của Nhân dân. Người dân họ thấy nói hay lắm, nhưng tại sao lại để thế này? Tỉnh làm, trung ương làm hay ai làm thì phải có địa chỉ chứ!?", Tổng Bí thư nhấn mạnh, đồng thời đưa ra 2 ví dụ cụ thể, đó là dự án phòng, chống ngập lụt Thành phố Hồ Chí Minh 10 nghìn tỷ, hai nhiệm kỳ rồi Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ngập lụt, tiền nhà nước bỏ ra rồi, nếu để mãi như thế thì lại vi phạm, không tham ô, tham nhũng thì tội lãng phí.
Thứ hai là hai bệnh viện ở Hà Nam, người dân không có bệnh viện, Nhà nước bỏ tiền ra xây rồi mà cũng chục năm rồi không được đưa vào sử dụng, vẫn cứ treo như thế, nếu mà của tư nhân thì họ thu hồi xong vốn, vốn đó được hoàn trả rồi, mà của Nhà nước thì vẫn là để không như thế, không có ai chịu trách nhiệm?. Đây là lãng phí, chưa nói là nếu ai tham ô, tham nhũng thì điều tra xử lý hết rồi, hoặc là chưa điều tra thì cũng quay lại để điều tra, để làm, để có kết luận đưa vào xử lý.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự họp tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội chiều nay 26/10 (Ảnh: Media Quốc hội). |
Đối với đầu tư công, Tổng Bí thư đề cập đến giải ngân vốn, trong đó nói đến việc “có tiền" không "tiêu được”. “Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng chưa được 50%, cả năm có tiêu được hết kế hoạch không?
Hỏi tại sao thì bảo vướng quy định này, vướng quy định kia, chương trình mục tiêu quốc gia có hết rồi, quyết định rồi nhưng bảo bây giờ đụng vào đất, mà đất rừng lại phải chờ Quốc hội để giải tỏa đất rừng này rồi mới triển khai được, thế cứ vướng cái nọ, vướng cái kia, thì nó là cái gì? Tại sao lại có những quy định cái nọ lại vướng vào cái kia như thế? Thì quy định là do hai, cũng là do mình cả thôi. Thế tại sao mình làm mình lại cứ vướng vào mình đủ thứ việc như thế, khó đủ thứ, thì khó đến đâu, phải gỡ đến đó.
"Tại sao lại quy định thế nào để đến chính mình không làm gì được, nhà nước cũng không làm được thì làm doanh nghiệp làm được?. Hàng trăm dự án, hàng nghìn dự án được bộ ngành, địa phương đã cấp cho doanh nghiệp, cấp giấy phép rồi nhưng mà đến quá trình triển khai cũng lại vướng cái này cái kia, rồi cứ đứng chờ nhau. Đất cũng được cấp rồi lại vướng không được thực hiện, vướng quy hoạch, vướng cái này cái kia, tất cả đều do mình cả, tự mình làm. Vậy thì bây giờ ai sẽ làm việc đó?", Tổng Bí thư đặt câu hỏi và nêu giải pháp: Phải có sự phối hợp, Chính phủ vướng thì trao đổi với Quốc hội, Quốc hội xem thế nào phải trao đổi với Chính phủ, không thể đổi lỗi cho nhau được, lại không thể chờ đợi nhau được, thì xung quanh đó là những câu chuyện lãng phí, nhưng cũng rất mừng và các đại biểu Quốc hội nhìn là thấy ngay. Dân nhìn thấy, đặt câu hỏi thì cũng phải tìm cách trả lời, mình cũng phải có trách nhiệm chứ không phải chỉ có phản ánh Quốc hội, phản ánh chung.