Tiến tới thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh giao Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu chuẩn hóa quy trình thủ tục gắn với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đến dự Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ II. Ảnh: VGP
Sáng 18/12, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đến dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể của Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ II.
Đại hội nhằm tổng kết công tác nhiệm kỳ thứ I từ năm 2019 đến nay, đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ II của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.
Năm 2019, cả nước có 51 tỉnh, thành phố thành lập Hội Công chứng viên với 2.600 công chứng viên. Sau hơn 3 năm, Hội được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước với 3.054 công chứng viên.
Số lượng công chứng viên chủ yếu tập trung ở những đô thị lớn, địa bàn dân cư đông, phát triển kinh tế mạnh, trong đó TPHCM có 448 công chứng viên, chiếm 14,54% tổng số công chứng viên toàn quốc; Hà Nội có 445 công chứng viên, chiếm 14,44%.
Công chứng là một trong những thiết chế bổ trợ tư pháp quan trọng
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương đối với công tác tư pháp, pháp luật nói chung và hoạt động công chứng nói riêng, trong đó xác định rõ công chứng là một trong những thiết chế bổ trợ tư pháp quan trọng cần được quan tâm phát triển theo định hướng xã hội hóa.
Trong 20 năm qua, Bộ Chính trị đã ra nhiều nghị quyết chỉ đạo về công tác công chứng như Nghị quyết 08 năm 2022, Nghị quyết số 49 năm 2005, Kết luận 92 năm 2014, thể hiện rất rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác công chứng.
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ II. Ảnh: VGP
Tháng 6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng, thông qua Luật Công chứng (sửa đổi) năm 2018, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động công chứng ngày càng phát triển theo đúng định hướng, với bước đi, lộ trình phù hợp, nổi bật ở một số điểm.
Thứ nhất, thể chế, pháp luật về công chứng ngày càng hoàn thiện, thuận lợi hơn cho hoạt động công chứng và xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng; trao quyền rộng rãi cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên, đồng thời thực hiện hiệu quả hơn vai trò quản lý của nhà nước.
Với sự tham mưu của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 172 ngày 19/11/2020 về chính sách phát triển nghề công chứng, trong đó xác định rõ định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển nghề công chứng, xây dựng tổ chức hành nghề công chứng, đội ngũ công chứng viên trong sạch, vững mạnh, bám sát nhu cầu của đời sống kinh tế-xã hội.
Thứ hai, đội ngũ công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; hoạt động công chứng nề nếp hơn. Đã thành lập được Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và các Hội Công chứng viên ở tất cả các địa phương trên toàn quốc, bước đầu thực hiện tốt vai trò tự quản, bảo vệ quyền lợi hội viên và phối hợp khá tốt với cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng.
Thứ ba, hoạt động hành nghề của công chứng viên từng bước đi vào nề nếp, chất lượng được nâng cao, đã công chứng, chứng thực số lượng lớn giao dịch, hợp đồng và các tài liệu khác, góp phần đảm bảo an toàn về pháp lý cho các giao dịch, hợp đồng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Thứ tư, hợp tác quốc tế về công chứng đạt nhiều kết quả cụ thể thông qua các hoạt động hợp tác với công chứng Pháp, Tây Ban Nha, Đức. Việt Nam đã chủ động, tích cực thực hiện tốt các nghĩa vụ thành viên của Liên minh công chứng quốc tế; đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 6 của Ủy ban châu Á, nhờ đó hình ảnh, vị thế và uy tín của công chứng Việt Nam ngày càng được nâng lên.
Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá có được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ công chứng viên; vai trò quan trọng của Bộ Tư pháp và ngành tư pháp trong tham mưu giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực công chứng; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, bộ, ngành, địa phương, sự đóng góp thiết thực của các Hội Công chứng viên trên toàn quốc và Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam-tổ chức đại diện cho công chứng viên.
Mặc dù mới hoạt động được 3 năm, với nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm, nỗ lực, tâm huyết, đến nay, hoạt động của Hiệp hội Công chứng viên toàn quốc đã đạt được một số kết quả tích cực như: Tổ chức bộ máy của Hiệp hội từng bước được hoàn thiện; thực hiện cơ bản tốt việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công chứng được tăng cường…
Những kết quả thiết thực, cụ thể nêu trên ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hoạt động công chứng trong việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế đất nước, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực nghi nhận và biểu dương những thành tích mà các công chứng viên; các tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, Đại hội cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong tổ chức hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ vừa qua như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong một số việc còn lúng túng, chưa thực sự linh hoạt; việc giám sát hội viên trong hành nghề có việc còn chưa sát, dẫn đến tình trạng một số bộ phận công chứng viên vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề; trình độ của đội ngũ công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều; chất lượng hoạt động công chứng có nơi, có việc chưa đáp ứng yêu cầu; việc thành lập Hội công chứng viên tại một số địa phương còn chậm; công tác phối hợp có việc còn thiếu tính liên kết.
Bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch là thước đo giá trị của hoạt động công chứng
Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng trong nhiệm kỳ thứ II, Hiệp hội Công chứng viên toàn quốc cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực công chứng, nhất là Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 72 năm 2020 của Chính phủ về phát triển nghề công chứng, đảm bảo phát huy đầy đủ, trọn vẹn hơn vai trò hoạt động của công chứng trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh định hướng phát triển phải đảm bảo tính bền vững, lấy nguyên tắc an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch là điều kiện hàng đầu và thước đo giá trị cho hoạt động này, đồng thời cần thể hiện rõ trách nhiệm đối với xã hội, người dân.
Hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ với Bộ và ngành tư pháp, các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng, pháp luật khác có liên quan. Chú trọng thu hút, huy động trí tuệ của đội ngũ công chứng viên, chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể về chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, góp phần thiết thực triển khai Quyết định số 479 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Hiệp hội cần chú trọng kiện toàn bộ máy tổ chức, các cơ quan của Hiệp hội, các Hội Công chứng viên ở địa phương theo hướng khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, đảm bảo thông suốt, thống nhất.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh sự cần thiết phải có giải pháp cụ thể để đảm bảo tối đa quyền, lợi ích chính đáng của hội viên; phối hợp với Bộ Tư pháp tập trung phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội, có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm tự quản của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công chứng, thực hiện tốt hơn nữa nghĩa vụ thành viên Liên minh Công chứng quốc tế; tăng cường các hoạt động hợp tác trong và ngoài liên minh để nâng cao vị thế, hình ảnh của công chứng Việt Nam trên thế giới.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Hội đồng Công chứng viên nhiệm kỳ 2, các thành viên trong Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, thể hiện rõ vai trò tiên phong trong quy tụ, tập hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin, sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng công chứng viên toàn quốc.
Ra mắt Ban Thường vụ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam nhiệm kỳ 2. Ảnh: VGP
Phát huy vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phát huy vai trò tham mưu giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước về công chứng; bảo đảm vai trò định hướng, điều tiết của Nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển nghề công chứng; nghiên cứu chuẩn hóa quy trình thủ tục gắn với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử.
Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Công chứng sửa đổi, đảm bảo thế chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong hoạt động công chứng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan.
Phó Thủ tướng Thường trực giao các Bộ: Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình sửa đổi, bổ sung các đạo luật liên quan đến hoạt động công chứng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…. bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định về giao dịch, hợp đồng phải công chứng; chia sẻ thông tin trong các cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, bất động sản, đảm bảo các hoạt động công chứng được thực hiện chính xác, thuận lợi, nhanh chóng, chi phí thấp, góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa rủi ro, tranh chấp; tăng cường quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, bất động sản, nhà ở, tránh thất thu thuế cho Nhà nước.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Tư pháp, các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời tạo điều kiện cần thiết để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng tại địa phương./.