Thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Nhiều ý kiến thống nhất giảm số năm đóng bảo hiểm và đề xuất nghỉ hưu sớm trừ 1%
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng ngày 23/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều thống nhất giảm số năm đóng bảo hiểm xuống còn 15 năm, hưởng lương hưu từ 45%, đóng càng nhiều năm thì lương hưu trí phải càng cao, nghỉ hưu sớm trừ 1%, mở rộng đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội...
Dự thảo Luật phải tránh xu hướng "nghèo hóa" trong tương lai
Nhất trí với nội dung về điều kiện hưởng lương hưu tại dự thảo Luật, tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Kiều, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cũng bày tỏ băn khoăn về cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Đại biểu Phạm Thị Kiều cho rằng việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng. Đồng thời, dự thảo Luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Điều có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hoá” của một bộ phận người dân trong tương lai.
Từ đó, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.
Về nội dung tại khoản 2, Điều 66 trong dự thảo Luật: “… cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%”, đại biểu Phạm Thị Kiều đánh giá, quy định như vậy là quá cao.
"Đề nghị nghiên cứu quy định phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa đóng và hưởng. Vì độ tuổi bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm của mỗi người khác nhau, cho nên cần quy định thời gian đóng bảo hiểm bao nhiêu để được hưởng tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% là phù hợp", đại biểu của đoàn Đắk Nông kiến nghị.
Đồng tình với đại biểu Kiều về nhận định quy định giảm 2% mỗi năm khi trả BHXH cho người nghỉ hưu trước tuổi là quá cao, đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu, quy định đối với lao động ở khu vực tư, khu vực không chính thức nếu nghỉ hưu trước tuổi thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ đi 1% (thay vì 2% như dự thảo Luật) và tiếp tục nghiên cứu có thêm những ngành nghề đặc thù nếu số năm đóng bảo hiểm xã hội cao thì cũng được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định ngoài các ngành nghề được nêu tại khoản 2 Điều 64 của Dự thảo Luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng thống nhất giảm số năm đóng bảo hiểm xuống còn 15 năm (giảm 5 năm so với hiện hành) và cho rằng cần quy định đóng càng nhiều năm thì lương hưu trí phải càng cao. Cụ thể, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, sau khi đóng đủ 15 năm được hưởng lương hưu từ 45%; đối với những người đóng dư thời gian đề nghị nâng lên 1% hưởng đối với mỗi năm đóng hơn.
Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã mở rộng 5 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Về vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị cần chú ý chủ hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Quy định này là một bước mới so với luật hiện hành, tuy nhiên đại biểu Tô Văn Tám băn khoăn rằng quy định đã thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết 28 hay chưa thì cần làm rõ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở quy định này.
Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như tại điểm a khoản 1 là khá bao trùm các đối tượng và rất là rộng. Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần có những chế tài để đảm bảo tính khả thi về quy định này. Vì thực tế đối tượng lao động này rất rộng, họ làm tất cả các việc và thường xuyên di chuyển trong khi hiện nay chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu về lao động, cho nên không thể nắm hết được đối tượng lao động này. Do dó, cần có chế tài để đảm bảo tính khả thi cho đối tượng này.
Góp ý vào quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH tại Điều 3, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề xuất đưa đối tượng tài xế xe công nghệ hoặc nhóm lao động trên nền tảng công nghệ thuộc nhóm đối tượng bổ sung tham gia BHXH bắt buộc.
“Hiện nay nền kinh tế việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tài xế xe công nghệ hoặc giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng về số lượng. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, nhóm đối tượng này về bản chất là tồn tại quan hệ lao động”, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nêu rõ.
Về tính khả thi của việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu lên thực tế, hiện nay, phụ cấp hàng tháng cấp cho các đối tượng này rất thấp, việc phải trích nộp bảo hiểm xã hội sẽ dẫn đến phần thực nhận của họ thấp hơn. Mặt khác, số lượng đối tượng này trên cả nước rất lớn nên phần ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm đóng cũng không nhỏ.
Bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị, ngoài thủ tục hành chính đơn giản thì Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích bước đầu bù đắp một phần đối với các đối tượng này; có chính sách bảo hiểm bắt buộc linh hoạt theo nguyên tắc đóng ít - hưởng ít, đóng nhiều - hưởng nhiều để tạo sự lựa chọn và sự hấp dẫn cho người tham gia bảo hiểm bắt buộc.
Cho rằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như tại điểm a khoản 1 là khá bao trùm các đối tượng và rất rộng, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị cần có những chế tài để đảm bảo tính khả thi về quy định này.
"Trên thực tế, đối tượng lao động này rất rộng, họ làm tất cả các việc và thường xuyên di chuyển trong khi hiện nay chưa có cơ sở dữ liệu về lao động, cho nên không thể nắm hết được đối tượng lao động này", đại biểu Tô Văn Tám nói.
Từ những băn khoăn đó, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng về khả năng đảm bảo ngân sách cho các đối tượng này.