Tập trung cao độ cho dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Sáng 6/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự án Luật điện lực (sửa đổi).
Tham dự cuộc họp còn có Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cùng đại diện các Cục, Vụ và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương: Điện lực và Năng lượng tái tạo, Điều tiết điện lực, Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hóa chất, Dầu khí và Than, Pháp chế, Văn phòng Bộ… Cùng đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Toàn cảnh cuộc họp |
Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được thành lập theo Quyết định số 462/QĐ-BCT của Bộ Công Thương. Theo đó, Ban soạn thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 47 thành viên, do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân làm Phó Trưởng ban; các thành viên là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức, Viện nghiên cứu, Hiệp hội; đại diện Sở Công Thương các tỉnh thành phố và các doanh nghiệp ngành năng lượng.
Tổ biên tập Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 136 thành viên, do Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa là Tổ trưởng, 4 Tổ phó là lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương). Các thành viên Tổ biên tập là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức, Viện nghiên cứu, Hiệp hội; đại diện Sở Công Thương các tỉnh thành phố, các doanh nghiệp ngành năng lượng và chuyên gia độc lập.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực sửa đổi và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình số 380/TTr-CP ngày 07 tháng 8 năm 2024.
Tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã trình Quốc hội xem xét, nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nhà máy điện sử dụng LNG, nhà máy điện gió ngoài khơi đã được quy định cụ thể. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc liên quan đến phát triển các loại hình nhà máy này theo Quy hoạch điện VIII, ngày 05/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về nội dung này.
Theo kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung cao độ để hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực sửa đổi và thành lập Tổ Công tác liên ngành để bám sát, hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực với chất lượng tốt nhất và có thể được Quốc hội thông qua tại một kỳ họp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay sáng ngày 6/9/2024 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp với Ban soạn thảo, Tổ biên tập để chuẩn bị cho công tác tập trung rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) để đảm bảo dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 15/9/2024.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp |
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Luật Điện lực (sửa đổi) là 1 trong 12 dự án Luật sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, do đó Luật Điện lực (sửa đổi) phải tập trung vào các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch; thị trường điện cạnh tranh, công tác phân cấp, phân quyền cùng với một số nội dung quan trọng khác.
Từ năm 2004 đến nay thực tiễn đã chỉ ra nhiều bất cập giữa Luật Điện lực và các Luật khác, do vậy Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập phải tập trung cao độ để hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực sửa đổi với chất lượng tốt nhất để Quốc hội cho ý kiến và có thể thông qua tại một kỳ họp.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài báo cáo Bộ trưởng tại cuộc họp |
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đã báo cáo Bộ trưởng về tình hình triển khai xây dựng dự thảo luật trong thời gian qua cũng như kết quả các cuộc họp và hội thảo với Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Thứ trưởng cũng đã đánh giá cao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng với PVN, EVN đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong việc xây dựng dự án luật liên quan đến nội dung điện gió ngoài khơi. Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đánh giá đây là nội dung khó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Theo đó các nội dung chính sẽ được Ban soạn thảo và Tổ biên tập tập trung rà soát gồm:
Về tình hình thực hiện các nhà máy điện khí: Các chủ đầu tư đều gặp khó khăn trong thu xếp vốn vay do phải đáp ứng các yêu cầu của tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN phát biểu tại cuộc họp |
Ngoài ra nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn yêu cầu thêm bảo lãnh của Chính phủ như: Bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh chấm dứt hợp đồng của EVN, bảo lãnh rủi ro tiến độ đường dây truyền tải điện…
Về tình hình thực hiện các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi: Hiện nay còn vướng ở các pháp luật khác.
Ngoài ra, những nội dung mới, cần tiếp tục rà soát và có tính linh hoạt, biến động theo từng xu thế và điều kiện phát triển, giao Chính phủ quy định tại dự thảo Luật.
Công tác phân cấp, phân quyền rõ ràng, tăng cường việc kiểm tra giám sát, Chính phủ chỉ kiểm tra quy hoạch và kiểm soát đầu ra...