Phiên chất vấn “đặc biệt” từ điểm nhấn đổi mới của Quốc hội
Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và 21 Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Nghị trường không ít phiên “nảy lửa” trong 2,5 ngày trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm về nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh.
Quốc hội xác định đổi mới hoạt động giám sát là một trong các trọng tâm và điều đó đã được thể hiện xuyên suốt. Việc giám sát, hậu giám sát hay đánh giá kết quả thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành luôn được Quốc hội coi trọng nhằm góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả triển khai, thực thi các nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, công tác chuẩn bị tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn được xem xét kỹ lưỡng, nhất là cuộc làm việc có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 30/10, để qua trao đổi, thảo luận giúp tìm ra phương thức chất vấn hiệu quả nhất. Thông qua giám sát để các cơ quan cùng tìm ra giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tiễn, bám sát sự lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát triển.
Chính vì vậy, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra thành công được đánh giá là “đổi mới”, “đặc biệt”, thậm chí “chưa có tiền lệ” khi xét về phạm vi chất vấn, cách thức tiến hành, với tính chất nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ.
Quốc hội lần đầu tiên không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn về việc thực hiện 10 Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, gồm 4 lĩnh vực: Kinh tế tổng hợp - vĩ mô; Kinh tế ngành; Văn hóa, xã hội; Tư pháp, Nội chính, Kiểm toán Nhà nước.
Điều đó đồng nghĩa với việc Quốc hội tiến hành chất vấn việc thực hiện các lời hứa, cam kết của các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết trên, theo phương châm coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát. Hay nói cách khác, tất cả “tư lệnh ngành” đều có thể phải “ngồi ghế nóng”.
Nhằm đánh giá toàn diện, khách quan, trước ngày diễn ra phiên chất vấn, bên cạnh kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tổng hợp các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa có sự chuyển biến theo yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Hơn 70 vấn đề của 21 lĩnh vực được điểm danh, trong đó lĩnh vực nhiều nhất gồm 5 vấn đề, ít nhất cũng có 1. Nguồn thông tin quan trọng này cũng giúp nội dung chất vấn được đặt ra nơi nghị trường trọng tâm, trọng điểm trước sự theo dõi của cử tri và nhân dân qua sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Thực tế chứng minh, những đổi mới trên có tính chất tiền đề tạo nên sự thành công của phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa nhiệm kỳ. Sau 2,5 ngày, có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Còn 310 đại biểu đăng ký chất vấn, 15 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được chất vấn, tranh luận sẽ gửi câu hỏi đến các thành viên Chính phủ, trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản theo quy định.
Không khí phiên chất vấn cho thấy các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.
Các ý kiến rất thẳng thắn yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo lại những việc đã thực hiện, qua đó thấy vấn đề gì trên thực tế còn vướng mắc thì tìm hiểu nguyên nhân, nếu ở tầm Quốc hội thì Quốc hội tìm cách tháo gỡ, còn những việc thuộc tổ chức thực hiện thì có lưu ý trong tổ chức thực hiện của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong thời gian tới. Không ít đại biểu tranh luận tới cùng những vấn đề quan tâm nếu chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Trong đó có cả những người đảm nhận vị trí chưa lâu, không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm vừa qua vì mới được phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023 như Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh nhưng đã nắm rõ lĩnh vực mình phụ trách, đưa ra được nhiều giải pháp cụ thể.
Trong thực thi chính sách, nhiều vấn đề đòi hỏi sự tham gia giải quyết của liên ngành. Chính vì vậy, nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng, việc Quốc hội chất vấn theo nhóm lĩnh vực vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để các “tư lệnh ngành” cảm thấy cần phải tăng cường trách nhiệm, tăng cường phối hợp hơn nữa để tập trung giải quyết vấn đề. Đồng thời, ngay trên diễn đàn Quốc hội, các bộ trưởng đã có dịp nêu ra những khó khăn, vướng mắc để Quốc hội hiểu rõ hơn, gợi ý giải pháp tháo gỡ cùng Chính phủ, nhất là trong xây dựng thể chế, pháp luật.
Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục. Có vấn đề vướng mắc ở tầm luật được báo cáo Quốc hội quan tâm và không tít hạn chế liên quan đến tổ chức thực hiện, nguyên nhân chủ quan thì các vị bộ trưởng, trưởng ngành cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm.
Như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, rằng Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn đúng với tính chất “giám sát sau giám sát”, có ý nghĩa quan trọng trong việc đặt ra giải pháp thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của nửa nhiệm kỳ còn lại. Tinh thần đổi mới nơi nghị trường không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, mà còn giúp Quốc hội, Chính phủ thực hiện tốt lời hứa với các cử tri, là kiểm chứng nói đi đôi với hành động.