Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam góp ý Dự thảo xây dựng Luật Hóa chất
Luật Hoá chất sẽ tiếp tục điều chỉnh hai vấn đề là an toàn hoá chất và phát triển công nghiệp hoá chất.
Trả lời Công văn số 6459/BCT-HC của Bộ Công Thương về đề nghị góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoá chất (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, Luật Hoá chất sẽ tiếp tục điều chỉnh hai vấn đề là: An toàn hoá chất và phát triển công nghiệp hoá chất. Hai vấn đề này có cách tiếp cận rất khác nhau.
VCCI trả lời Công văn số 6459/BCT-HC của Bộ Công Thương về đề nghị góp ý Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoá chất |
Cũng theo văn bản của VCCI, các quy định về an toàn hoá chất tập trung vào việc bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn cho môi trường, tài sản, sức khoẻ, tính mạng của người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, phát triển công nghiệp hoá chất lại là một dạng chính sách công nghiệp chủ yếu tập trung vào việc bảo hộ thị trường và trợ cấp của nhà nước.
Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra quan điểm chỉ đạo công nghiệp hoá phải có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Nói cách khác, Việt Nam cần tránh tình trạng công nghiệp hoá “quả mít” khi mà ngành nào, lĩnh vực nào cũng có chính sách công nghiệp nhưng không thực sự hiệu quả. Để có thể xác định ngành nào nên tập trung nguồn lực phát triển trước, ngành nào nên phát triển sau thì cần có sự thảo luận tập trung. Đây là vấn đề phức tạp vì phải cân đối nguồn lực quốc gia, tính toán lợi thế so sánh giữa các ngành kinh tế của Việt Nam, và khả năng phản ứng của các đối tác thương mại trên thế giới. Do đó, nếu từng ngành, lĩnh vực xây dựng chính sách công nghiệp riêng thì rất dễ quay trở lại tình trạng bất cập như thời gian qua.
“Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang chuẩn bị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp và dự định trình Chính phủ và Quốc hội cùng thời điểm với Luật Hoá chất (sửa đổi). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc đưa chính sách phát triển công nghiệp hoá chất sang Luật Phát triển công nghiệp thay vì để ở Luật Hoá chất. Theo đó, Luật Hoá chất sẽ chỉ tập trung vào vấn đề an toàn hoá chất, quản lý hoá chất nguy hiểm. Phương án này không làm xáo trộn lớn về mặt nội dung chính sách nhưng bảo đảm sự tập trung trong quá trình thảo luận chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam” - văn bản của VCCI nêu.
Liên quan đến hoá chất hạn chế sản xuất, kinh doanh và hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Theo VCCI, pháp luật Hoá chất hiện nay tồn tại hai danh mục tương ứng với hai quy chế quản lý, gồm hoá chất hạn chế sản xuất, kinh doanh (Điều 14) và hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện (Điều 15). Tuy nhiên, khái niệm (tại Điều 14.1 và Điều 15.1) và các yêu cầu đối với việc sản xuất, kinh doanh hoá chất (tại Điều 14.2 và Điều 15.2) không có nhiều khác biệt. Nghị định 113/2017/NĐ-CP và Nghị định 17/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hoá chất cũng không có nhiều quy định khác biệt về điều kiện cấp, về mẫu hồ sơ giấy tờ, về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận và Giấy phép, Giấy chứng nhận và Giấy phép.
Phương pháp quản lý theo hai danh mục (hạn chế và có điều kiện) được áp dụng từ Nghị định 59/2006/NĐ-CP. Theo đó, hàng hoá hạn chế kinh doanh, ngoài việc đáp ứng các điều kiện như hàng hoá có điều kiện, thì còn bị hạn chế về phạm vi, quy mô kinh doanh theo các quy hoạch ngành.
Tuy nhiên phương pháp này đã không còn phù hợp với Luật Đầu tư và Luật Quy hoạch hiện nay. Luật Đầu tư chỉ còn chia thành lĩnh vực cấm và lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Luật Quy hoạch đã cấm các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ, bởi biện pháp này can thiệp vào cung cầu, trái quy luật của kinh tế thị trường.
“Trên thực tế hiện nay cũng không còn lĩnh vực nào được quản lý bằng biện pháp hạn chế kinh doanh bằng cách hạn chế phạm vi, quy mô kinh doanh. Nếu muốn hạn chế một mặt hàng nào đó (như rượu bia, thuốc lá, cá cược), nhà nước dùng biện pháp đánh thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường hoặc thuế thu nhập cá nhân…” – VCCI nêu rõ và đề xuất cơ quan soạn thảo sửa đổi Luật Hoá chất theo hướng hợp nhất hai danh mục hoá chất hạn chế sản xuất, kinh doanh và hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện.