Kiến nghị ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp chỉ sau 1 trận mưa: Sở GTVT Phú Yên nói gì?
Đại diện Sở GTVT Phú Yên cho rằng việc ban bố tình huống thiên tai khẩn cấp là bước thủ tục cần phải có để cấp thẩm quyền ra lệnh sửa chữa khẩn cấp công trình bị ảnh hưởng.
Chỉ sau 1 trận mưa lớn, ngày 12-10, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Phú Yên bất ngờ kiến nghị Bộ GTVT và UBND tỉnh Phú Yên ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai, làm nhiều người không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở tỉnh này. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên.
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, trả lời Báo Người Lao Động về việc kiến nghị ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp
+ Phóng viên: Thưa ông, dựa vào đâu để Sở GTVT Phú Yên bất ngờ kiến nghị ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai, khi tỉnh chỉ mới trải qua 1 trận mưa lớn?
- Ông Nguyễn Phương Đông: Chúng tôi dựa theo điều 12 Nghị định 66/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Phòng chống thiên tai.
Đây là điểm mới so với trước. Đây là bước đầu tiên để thực hiện các nội dung khắc phục bão lũ. Khi ban bố tình huống khẩn cấp rồi thì các đơn vị mới xác định lại công trình nào cần sửa chữa rồi mới tham mưu thêm để cấp thẩm quyền ra lệnh sửa chữa khẩn cấp. Bộ GTVT cũng đã có quyết định ban hành tình huống khẩn cấp từ ngày 4-9 đến 30-9 đối với những tỉnh bị ảnh hưởng bão số 4.
Quốc lộ 1 qua Phú Yên năm nào vào mùa mưa cũng nát như tương
+ Điều 12 Nghị định 66 đề cập tình huống khẩn cấp chứ không phải tình trạng khẩn cấp thiên tai. Tình huống ấy đã gây ảnh hưởng hoặc hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe nhiều người thì mới được xem là tình huống khẩn cấp về thiên tai?
- Ở đây, chúng tôi kiến nghị công bố tình huống khẩn cấp chứ không phải tình trạng khẩn cấp. Tình huống là bước đầu, tức là dự đoán nó nguy hại đến tính mạng con người theo quy định tại điều 12 Nghị định 66, chứ nếu là tình trạng thì nó nguy hại hơn.
Tình huống khẩn cấp là bước đầu tiên phải công bố khẩn cấp, sau đó mới thực hiện các quy trình để sửa chữa.
Còn tại sao chưa thấy nguy hại mà sở đã đề xuất công bố, thì qua kiểm tra trên Quốc lộ 1, nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng, rất nguy hiểm đến tính mạng của người dân, rất nhiều ổ gà mà các năm trước cũng đã có người chết nên sở mới đề xuất.
Sáng 14-10, sở đã làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam. Cục Đường bộ cũng đã trình lên Bộ GTVT đề xuất cho khắc phục Quốc lộ 1, đặc biệt đoạn qua Phú Yên.
+ Trên tay của tôi lúc này là báo cáo của Sở GTVT Phú Yên hôm 12-10, ghi rõ kiến nghị ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai?
- (Không trả lời)
Quốc lộ 1 qua Phú Yên sau 1 trận mưa
+ Nhiều ý kiến cho rằng phải chăng có những dự án giao thông thi công không bảo đảm chất lượng nên địa phương phải đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp để đổ lỗi cho thiên tai. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
- Tôi khẳng đinh không có chuyện đưa khối lượng vào bão lũ. Nếu phát sinh thêm hư hỏng trong quá trình thi công thì các đơn vị bảo hiểm phải thực hiện chi trả do thiên tai, bão lũ. Còn nội dung nào trong hồ sơ thiết kế đã làm mà hư thì các đơn vị thi công phải tự sửa chữa chứ không có chuyện nhập nhằng khối lượng .
+ Cũng có ý kiến cho rằng cần phải công bố tình trạng khẩn cấp để được chỉ định thầu sửa chữa, không phải qua đấu thầu. Ý kiến ông thế nào?
- Nếu thực hiện lệnh sửa chữa khẩn cấp, tức phải thực hiện nhanh để đảm bảo công trình cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, thì được chỉ định thầu. Tuy nhiên, nếu khối lượng này sau khi mưa lũ xong mới làm thì phải thực hiện theo công tác đấu thầu. Ví dụ, đoạn này hư hỏng nặng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông thì ngay lúc đó được chỉ định thầu để các đơn vị sửa chữa tạm thời, song sau đó để làm hoàn chỉnh lại thì phải đấu thầu.
+ Xin cảm ơn ông