Họp Tổ điều hành thị trường trong nước quý IV năm 2024
Sáng 7/1, tại Hà Nội, Tổ điều hành thị trường trong nước họp phiên thường kỳ quý IV năm 2024 và tổng kết tình hình thị trường trong nước năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân – Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước chủ trì cuộc họp. Tham gia cuộc họp có đại diện Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương; đại diện các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp |
Thị trường trong nước năm 2024 cơ bản duy trì ổn định
Báo cáo về tình hình thị trường trong nước tháng 12 và cả năm 2024, bà Nguyễn Thuý Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thường trực Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết, thị trường hàng hóa thế giới trong tháng 12 năm 2024 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị trên thế giới.
Bà Nguyễn Thuý Hiền báo cáo tại cuộc họp |
Đối với thị trường trong nước, năm nay, Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến sớm nên các hoạt động chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đã bắt đầu được các doanh nghiệp triển khai từ tháng 12. Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến thương mại cũng được các địa phương tổ chức tích cực tại khắp các địa bàn nên thị trường hàng hóa khá sôi động. Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, đa dạng, chất lượng hàng hóa được các đơn vị chức năng tích cực rà soát, giám sát trong các đợt cao điểm kiểm tra dịp Tết Nguyên đán, giá cả hàng hóa không có biến động bất thường, một số mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng giá biến động theo giá trên thị trường thế giới.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm pháp, bảo đảm an sinh xã hội, ngày 20 tháng 11 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường.
“Năm 2024, nhìn chung, kinh tế cả nước tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh tình hình chính trị trên thế giới có nhiều biến động. Thị trường hàng hóa trong nước mặc dù chịu ảnh hưởng của từ các vấn đề bất ổn lớn về kinh tế, chính trị trên thị trường thế giới, tuy nhiên, thị trường trong nước cơ bản bình ổn, nguồn cung các hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm. Sức mua trên thị trường vẫn có sự tăng trưởng khá so với năm 2023” – bà Nguyễn Thuý Hiền nhấn mạnh.
Đáng chú ý, trong quý III, một số địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng của bão, lũ (cơn bão số 3) gây thiệt hại khá lớn, tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, nguồn cung hàng hóa thiết yếu luôn được cung ứng kịp thời, liên tục kể cả trong giai bão, sau bão, các thiệt hại đã sớm được khắc phục.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 12 đạt 571 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu tập trung vào các nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ gia đình, dịch vụ lưu trú ăn uống với mức tăng từ 2-3,4%, các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,5-1,3%.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa cả năm 2024 đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023, trong đó, các nhóm hàng có mức tăng khá là nhóm lương thực, thực phẩm, dịch vụ lưu trú, ăn uống với mức tăng từ 10-13%, các nhóm còn lại chỉ tăng từ 3,6-8,4%.
Phát huy vai trò tham mưu điều hành thị trường
Để góp phần tham mưu điều hành thị trường trong năm vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thành viên thực hiện việc kiện toàn Tổ Điều hành thị trường trong nước.
Cuộc họp Tổ điều hành có sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp |
Cụ thể, Tổ Điều hành thị trường trong nước được thành lập năm 2003 và được kiện toàn lần 1 vào năm 2008. Từ khi thành lập và được kiện toàn, Tổ Điều hành đã duy trì hoạt động thường xuyên và có nhiều đóng góp trong việc điều tiết thị trường, tham mưu cho Chính phủ trong công tác điều hành kịp thời đối với những biến động của thị trường hàng hóa trong nước, góp phần thực hiện các chỉ tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, qua một thời gian dài hoạt động, thành viên Tổ Điều hành đã có nhiều sự thay đổi, yêu cầu về hoạt động theo dõi, kiến nghị cũng khác.
Do vậy, căn cứ theo nhu cầu thực tế, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động điều hành của Tổ Điều hành trước tình hình thị trường trong nước và thế giới có nhiều biến động, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị thành viên thực hiện rà soát và ban hành Quyết định số 1206/QĐBCT ngày 20 tháng 5 năm 2024 về kiện toàn Tổ Điều hành thị trường trong nước và Quyết định số 1207/QĐ-BCT ngày 20 tháng 5 năm 2024 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Tổ Điều hành thị trường trong nước.
Bà Nguyễn Thuý Hiền thông tin, trong năm 2024, các thành viên Tổ Điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, đại diện một số địa phương lớn, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp...) đã có sự phối hợp tốt trong công tác điều hành thị trường.
Cụ thể, đối với công tác bình ổn thị trường và công tác chuẩn bị Tết, Tổ đã đề nghị các địa phương chủ động có kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường và chuẩn hàng hóa phục vụ cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Đơn cử, đối với mặt hàng thực phẩm, Tổ Điều hành Thị trường trong nước đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ, trong đó tập trung rà soát kế hoạch, phương án sản xuất nông nghiệp, xem xét đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương trong đợt lũ vừa qua để chủ động điều tiết, bảo đảm đủ nguồn cung phục vụ người tiêu dùng.
Sự điều hành kịp thời của Tổ điều hành thị trường trong nước đã góp phần ổn định thị trường hàng hoá. Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), đánh giá, năm 2024, hầu hết các chỉ số vĩ mô của nước ta đã đạt được theo kế hoạch. Đặc biệt, việc ổn định giá, ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những thành quả quan trọng. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của Tổ điều hành thị trường trong nước trong việc tham mưu chính sách điều tiết thị trường. Đặc biệt, trong giai đoạn bão lũ, Tổ đã tham mưu cho Chính phủ trong công tác điều hành giá, tham mưu xuất cấp lương thực, hàng hoá cho người dân bị thiệt hại; cung ứng kịp thời cho việc lưu thông, phân phối hàng hoá phục vụ đời sống người dân.
Năm 2025, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Đây là mục tiêu táo bạo, đòi hỏi sự vào cuộc kịp thời của tất cả các bộ, ngành. Cho nên Tổ điều hành thị trường trong nước cũng phải tính sao cho công tác điều hành linh hoạt, có thể đẩy kịch bản điều hành tiệm cận với chỉ số quốc hội cho phép là CPI năm 2025 khoảng 4,5% để vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.
Lãnh đạo Bộ Công Thương trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 4 doanh nghiệp đã hỗ trợ công tác cung ứng hàng hoá trong bão số 3 |
Tại cuộc họp, Bộ Công Thương đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho một số doanh nghiệp có hỗ trợ trong công tác cung ứng hàng hoá trong bão số 3 gồm: Tập đoàn Central Retail Việt Nam; Công ty TNHH Aeon Việt Nam; Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam; Công ty CP Bách hoá xanh.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin các nội dung cuộc họp...