Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, giai đoạn 2016 - 2021, trên địa bàn Thành phố
Sáng 13/3, Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi làm việc với Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) và một số sở, ngành Thành phố về chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, giai đoạn 2016 - 2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Dự buổi giám sát có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì buổi làm việc
Những năm qua, ngành điện Thủ đô đã triển khai linh hoạt các phương án chuyển đổi nguồn cấp, ưu tiên cải tạo, mở rộng các trạm biến áp và khai thác tối đa công suất của hạ tầng lưới điện sẵn có, tăng cường thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện nên nhìn chung công tác đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, tin cậy vẫn duy trì và thực hiện tốt, góp phần hữu hiệu vào phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến năm 2021, toàn Thành phố có 3 trạm biến áp và 285 lưới điện 500kV; 13 trạm biến áp và 775,86km lưới điện 220kV; 63 trạm biến áp và 1.052km lưới điện 110kV; hơn 22.694 trạm biến áp phân phối và 47.000km đường dây trung hạ thế các loại.
Lưới điện Thủ đô được hoàn chỉnh liên kết mạch vòng với các trạm biến áp tại các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng yên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hoà Bình... đảm bảo cung cấp điện cho khoảng 2,8 triệu khách hàng toàn Thành phố phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hoá-xã hội quan trọng của đất nước và Thành phố, đáp ứng tốt nhu cầu phụ tải đỉnh trong mùa Hè liên tục tăng cao các năm gần đây, đảm bảo yêu cầu về an toàn trong mùa mưa bão.
Về đầu tư phát triển nguồn điện, đến năm 2021, toàn Thành phố lắp đặt được 2.102 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất 33,82MW; 1 nhà máy điện rác Nam Sơn, công suất 1,93MW đã đi vào vận hành; 2 dự án nguồn điện gồm dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 75MW (đã vận hành 2/3 tổ máy phát công suất 60MW) và dự án Nhà máy điện rác Seraphin, công suất 37MW (khởi công xây dựng ngày 30/3/2022).
Giai đoạn 2016-2021, mặc dù nhu cầu phụ tải điện tăng cao (sản lượng điện đầu nguồn tăng trưởng 30% cả giai đoạn), tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của EVN Hà Nội trong giai đoạn 2016-2021 trung bình đạt 7,93%/năm; đặc biệt năm 2017 và 2018 có tốc tốc tăng trưởng cao lần lượt là 13% và 10%. Tổn thất điện năng giai đoạn 2016-2021 giảm sâu qua các năm (giảm 1,98% so với năm 2015); trung bình mỗi năm giảm xấp xỉ 0,49%, cụ thể năm 2016 là 5,22%, năm 2021 là 3,55%. Thời gian mất điện trung bình giảm sâu qua các năm, thực hiện năm 2016 đạt 964,8 phút, đến năm 2021 giảm còn 163,1 phút.
Các đại biểu Quốc hội trao đổi lại buổi làm việc
Đối với cung ứng, dự trữ xăng dầu, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội bình quân 1 tháng khoảng 146.500 m3. Thành phố hiện đang có 3 kho xăng sức chứa trên 5.000 m3 và 2 kho xăng sức chứa dưới 5.000 m3 đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Hà Nội hiện có tổng số 493 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 32 cửa hàng đang tạm dừng hoạt động do thực hiện cải tạo sửa chữa, trong giai đoạn chuyển giao cho đơn vị khác, đang hoàn thiện giấy tờ về sử dụng đất, giải quyết tranh chấp, không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy... 73% nguồn hàng xăng dầu cung cấp cho thị trường Hà Nội là từ các doanh nghiệp đầu mối và các công ty thành viên, 27% nguồn hàng từ các thương nhân phân phối.
Tổng Giám đốc EVN Hà Nội Nguyễn Danh Duyên cho biết, hằng năm, căn cứ vào kế hoạch của UBND Thành phố, EVN Hà Nội phát động phong trào “Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với khách hàng có nhiều hệ thống chiếu sáng công cộng, chiếu sáng đô thị, đèn quảng cáo, trang trí các đơn vị làm việc trực tiếp với các công ty quảng cáo có biển quảng cáo cỡ lớn để tuyên truyền tiết kiệm điện. Thực hiện ký cam kết tiết giảm công suất điện đến các khách hàng theo mục đích sử dụng điện trên địa bàn đơn vị quản lý. Bằng những biện pháp đó, năm 2016 sản lượng điện tiết kiệm điện là 351,2 triệu kWh; Năm 2018 là 361,93 triệu kWh; Năm 2019 là 396,83 triệu kWh; Năm 2020 là 430,80 triệu kWh; Năm 2021 là 447,13 triệu kWh.
Trên cơ sở thực tiễn phát triển năng lượng tại Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị nghiên cứu, áp dụng cơ chế đặc thù phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, ban hành cơ chế mua bán điện mặt trời mái nhà trên địa bàn. Bên cạnh đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển năng lượng phục vụ kinh tế - xã hội nói chung, đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu, trạm biến áp nói riêng trên địa bàn Thành phố…
Tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội Thành phố đã đề nghị Sở Công Thương Hà Nội, EVN Hà Nội làm rõ vướng mắc trong thực hiện quy hoạch năng lượng cấp tỉnh; làm rõ những vướng mắc về pháp lý đối với các dự án chậm tiến độ. Đại biểu cho rằng, muốn phát triển năng lượng sạch phải có hạ tầng tương ứng, vì vậy, cần có lộ trình rõ ràng trong việc kêu gọi đầu tư vào quy hoạch điện...
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi làm việc
Trao đổi làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong nhiệm kỳ này, Thành phố bảo đảm tốt công tác dự phòng, cung cấp điện trên địa bàn Thành phố; bên cạnh đó, ý thức sử dụng điện của người dân Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tốt.
Thành phố hiện tập trung chuyển đổi, đầu tư năng lượng sạch, chỉ đạo các tuyến xe buýt khi đấu thầu phải chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, theo đúng lộ trình chuyển đổi tỷ lệ phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng sạch đến năm 2030; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.... Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Thành phố cũng cải tạo toàn bộ hệ thống điện ở khu đô thị, công cộng, trạm xăng theo hướng sử dụng năng lượng sạch.
Đối với công tác quản lý, điều hành xăng dầu, Thành phố đã vào cuộc đồng bộ nên giữ được thị trường, cơ bản ổn định tình hình cung ứng xăng dầu trong thời gian qua. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, công tác quản lý điều hành gặp nhiều khó khăn do chính sách điều hành, công tác dự trữ; do đó, cần có chính sách để tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm điều hành thị trường xăng dầu hiệu quả.
Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao báo cáo các đơn vị chuẩn bị cơ bản đảm bảo yêu cầu; một số nội dung thành viên đoàn trao đổi đã được lãnh đạo đơn vị tiếp thu, giải trình làm rõ.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn đã đảm bảo, điều này thể hiện qua chỉ số hài lòng của người dân, tiết kiệm điện năng. Mặc dù triển khai chậm một số dự án nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu của nhân dân và các thành phần kinh doanh, đã giảm tải cắt điện luân phiên. Trên cơ sở các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện báo cáo, gia cố giải pháp để giải quyết bài toán cũng như tháo gỡ nguy cơ, thách thức về thiếu năng lượng.