Đường sắt tốc độ cao sẽ tập trung chính vào vận tải hành khách
Việc Thường trực Chính phủ khẳng định quan điểm về đối tượng chuyển chở của đường sắt tốc độ cao sẽ thúc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án của "siêu dự án" này.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đó, Thường trực Chính phủ khẳng định quan điểm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm yếu tố hiện đại, đồng bộ, bền vững theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW.
Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao phải đặt trong tổng thể phát triển quy hoạch, dự báo chiến lược về nhu cầu của cả 5 phương thức giao thông: hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa trong dài hạn. Phân tích lợi thế của từng phương thức, qua đó làm rõ ưu điểm của vận tải đường sắt tốc độ cao là tập trung vào vận chuyển hành khách, tương hỗ với vận tải hàng không, chỉ vận chuyển hàng hóa trong trường hợp cần thiết.
Vận chuyển hàng hóa chủ yếu tập trung: (i) đường sắt hiện tại; (ii) hàng hải; (iii) vận tải thủy ven bờ; (iii) đường bộ. Trên cơ sở đó, đánh giá, giải trình thuyết phục việc đề xuất phương án đầu tư.
Về phạm vi nghiên cứu, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh phải nghiên cứu việc mở rộng phạm vi thêm đoạn tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Về kịch bản đầu tư, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi để lựa chọn phương án phù hợp nhất; tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vận tải hành khách, còn hàng hóa chủ yếu vận tải bằng đường biển và nâng cấp tuyến đường sắt hiện có.
Về hướng tuyến, Bộ GTVT nghiên cứu, rà soát kỹ hướng tuyến để bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể, đồng thời tạo không gian mới. Nghiên cứu thêm việc giảm số lượng ga để giảm chi phí.
Về giải pháp, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh phải hoàn thiện cơ chế, chính sách theo đúng tinh thần Kết luận số 49-KL/TW. Tập trung hoàn thiện thể chế, trong đó bao gồm Luật Đường sắt sửa đổi, quy định về đường sắt tốc độ cao; cơ chế huy động nguồn lực; cơ chế giải phóng mặt bằng, khai thác mỏ nguyên vật liệu...; tái cơ cấu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bảo đảm năng lực thực hiện quản lý, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao.
Trình Bộ Chính trị Đề án trong tháng 3/2024
Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu thành lập Tổ công tác triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng; Bộ trưởng Bộ GTVT làm Tổ phó; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Tư pháp, TN&MT, NN&PTNT, GD&ĐT làm thành viên. Tổ công tác có quy chế làm việc, dự kiến 1 tháng họp 1 lần để kịp thời xử lý, thúc đẩy công tác chuẩn bị, thực hiện Dự án.
Các bộ, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai các nội dung có liên quan; trong đó, tập trung một số vấn đề trọng tâm.
Cụ thể, Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ kinh nghiệm trong ngành đường sắt về nhiều phương án để lựa chọn một phương án tối ưu trình Bộ Chính trị. Khẩn trương hoàn thiện Đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3/2024. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.
Bộ GTVT rà soát hoàn thiện thể chế, hệ thống định mức, tiêu chuẩn… để kịp thời sửa đổi, bổ sung tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình phát triển đường sắt nói chung và đường sắt tốc độ cao nói riêng; xây dựng, triển khai đề án về mô hình tổ chức, quản lý khai thác đường sắt quốc gia (trong đó có đường sắt tốc độ cao).
Bộ GTVT chủ động phối hợp với các bộ, ngành địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước, tiếp tục triển khai các thủ tục để sớm hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định; phối hợp với Bộ GTVT chủ động xây dựng phương án hợp tác với các nhà tài trợ nước ngoài để huy động nguồn vốn phù hợp cho Dự án; cân đối bố trí kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm đáp ứng nhu cầu triển khai Dự án.
Bộ Tài chính chủ trì tính toán tác động của việc đầu tư Dự án đến nợ công; ưu tiên phân bổ dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực đường sắt; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải phân tích mô hình tài chính của Dự án.
Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật hoặc hướng dẫn trình tự, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng.
Bộ Công Thương xây dựng, triển khai đề án phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ bảo đảm đồng bộ với các ngành công nghiệp khác.
Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực đường sắt để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển; xây dựng kế hoạch hợp tác với các nước để phối hợp đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu xây dựng, thành lập các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong lĩnh vực đường sắt.
Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt, nhất là việc triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Bộ Ngoại giao chủ động làm việc với các đối tác nước ngoài để kêu gọi đầu tư chuyển giao công nghệ xây dựng Dự án.
Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ GTVT trong công tác giải phóng mặt bằng và khai thác mỏ vật liệu phục vụ Dự án.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý chặt chẽ quỹ đất đã thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai Dự án. Ưu tiên bố trí quỹ đất quanh khu vực ga để phát triển các khu đô thị, khu chức năng theo mô hình TOD.
Đầu tư một số tuyến đường sắt quốc gia khác
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất biên bản ghi nhớ, phương án hỗ trợ, hợp tác đầu tư về 3 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hạ Long - Móng Cái (tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Quảng Ninh kéo dài).
Cần sớm đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, kết hợp vận tải hàng hóa và hành khách; tuyến Cần Thơ - Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là hành khách. Trước mắt cần tập trung đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (phấn đấu khởi công trong năm 2025), nghiên cứu phương án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài (xác định rõ: lãi suất vay ưu đãi, giá trị vay và thời gian vay) và phương án phát hành trái phiếu để đầu tư.
Sớm khởi động lại để triển khai đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân theo đúng Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.