Đồng Tháp đặt mục tiêu đào tạo nghề nghiệp cho trên 13.400 người trong năm 2023
Nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng Tháp hướng đến mục tiêu đào tạo trên địa bàn tỉnh nghề phi nông nghiệp cho trên 13.400 người.
Qua đó, tỉnh này đã đưa mục tiêu đào tạo nghề phi nông nghiệp cho trên 13.400 người trên địa bàn, chia theo trình độ: Sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 9.038 người; trung cấp 2.505 người; cao đẳng 1.897 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên hơn 75% trong đó qua đào tạo nghề đạt trên 54%, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt tối thiểu 80%.
Theo kế hoạch này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện tốt công tác phân luồng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, trong đó phấn đấu hằng năm thu hút 40% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong đó học sinh nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển mới.
Tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu tuyển dụng và đào tạo nghề cho công nhân của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quản lý để kịp thời tham mưu, đề xuất, hỗ trợ đào tạo, rà soát, cập nhật tình hình giải quyết việc làm sau đào tạo; chú trọng liên kết với các đơn vị sử dụng lao động, bao tiêu sản phẩm trong và ngoài tỉnh trong quá trình đào tạo nhằm cung ứng nguồn lao động, đảm bảo việc làm ổn định cho người học.
Sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm đầu mối quản lý; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập. UBND cấp huyện chủ động rà soát, định hướng sắp xếp cơ sở vật chất, biên chế đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc cấp huyện quản lý; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động rà soát, chỉnh sửa, xây dựng chương trình, giáo trình cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia.
Đặc biệt, đối với các ngành, nghề trọng điểm, phấn đấu đến năm 2025 có 50% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh, định hướng tư vấn nghề nghiệp và đặt hàng ngành, nghề đào tạo theo yêu cầu; tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, hướng dẫn thực hành tại cơ sở/doanh nghiệp (nếu có); tiếp nhận người học, nhà giáo đến tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề; tham gia vào quá trình đánh giá kết quả học tập, kiểm tra, thi cuối khóa đề làm cơ sở cấp văn bằng cho người học.