CSR và cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam và Ấn Độ
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Ngày 15/7/2025, tại khách sạn Le Meridien, New Delhi, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, đã tham dự và phát biểu với tư cách khách mời tại Hội nghị CSR Quốc gia lần thứ 12. Hội nghị có chủ đề “Vai trò của CSR trong sứ mệnh đưa Ấn Độ trở thành nước phát triển vào năm 2047 - Viksit Bharat 2047”.
Sự kiện đã quy tụ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện cơ quan bộ, ngành Ấn Độ và các tổ chức xã hội để thảo luận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và toàn diện.
Sứ mệnh Viksit Bharat 2047 là tầm nhìn chiến lược của Chính phủ Ấn Độ nhằm biến Ấn Độ thành một quốc gia phát triển vào năm 2047, đánh dấu 100 năm độc lập của nước này. Được Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng, sứ mệnh này không chỉ là một mục tiêu kinh tế mà còn là một phong trào quốc gia, tập trung vào sự phát triển toàn diện, bền vững và công bằng.
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại phát biểu tại hội nghị
Trong bài phát biểu của mình, ông Bùi Trung Thướng đã chia sẻ tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong việc trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, nhấn mạnh bốn trụ cột chính: công nghiệp hóa dựa trên đổi mới và công nghệ, tăng trưởng kinh tế bền vững, cải cách thể chế và phát triển toàn diện cho mọi công dân. Ông đặc biệt nhấn mạnh sự tương đồng giữa tầm nhìn Việt Nam 2045 và Sứ mệnh Viksit Bharat 2047 của Ấn Độ, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của CSR trong việc hỗ trợ các mục tiêu này.
Ông Thướng nêu bật sáng kiến Thẻ điểm Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VNCG50), được ra mắt vào năm 2024, như một minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc cải thiện quản trị doanh nghiệp và thu hút đầu tư quốc tế. Ông cũng kêu gọi sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong các lĩnh vực như công nghệ cao, năng lượng tái tạo và phát triển kỹ năng, nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng chung và bền vững.
Ban tổ chức ghi nhận sự tham dự của Việt Nam tại hội nghị
Hội nghị đã tạo cơ hội để các bên trao đổi ý tưởng về cách thức CSR có thể hỗ trợ các sáng kiến như Make in India, Digital India và chiến lược công nghiệp hóa xanh của Việt Nam. Phát biểu của ông Thướng không chỉ khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ mà còn nhấn mạnh tiềm năng hợp tác xuyên biên giới trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hợp tác song phương, đồng thời nhấn mạnh vai trò của CSR như một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường ở cả hai quốc gia.