Còn nhiều khó khăn trong xác minh tài sản của cán bộ
Các quy định về kê khai tài sản, thu nhập cần rõ ràng, rành mạch, dễ thực hiện, dễ kiểm soát, tránh tình trạng cán bộ kê khai gian dối để đối phó.
Mới đây, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre vì vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có vi phạm về thiếu trung thực trong kê khai tài sản thu nhập. Vụ việc trên thu hút sự quan tâm của dư luận và nhận được nhiều luồng ý kiến.
Quy định kê khai tài sản chưa hiệu quả với việc ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng
Có ý kiến cho rằng, nếu đúng là vi phạm của Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre mang tính hệ thống và kéo dài nhiều năm thì việc bây giờ mới phát hiện và xử lý là chậm bởi việc kê khai cũng như xác minh tài sản hiện nay vẫn còn mang tính hình thức. Vì chưa đủ điều kiện, chưa có sự phân công cụ thể, chưa đảm bảo về vật lực, nguồn lực để xác minh nên việc kê khai chưa đồng bộ với việc xác minh, kiểm tra của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền. Thường thì việc xác minh, kiểm tra, yêu cầu giải trình chỉ thực sự bắt đầu khi có đơn thư tố cáo, khiếu kiện. Từ đó mới phát hiện ra sai phạm.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, kê khai tài sản chỉ là một trong nhiều biện pháp để Đảng ta phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng. Tuy nhiên, với các quy định về kê khai tài sản hiện nay thì việc phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng từ biện pháp này chưa thật sự hiệu quả. Thực tế, người có hành vi tham nhũng thường tìm cách giấu diếm tài sản của mình và họ có nhiều cách để đối phó. Hơn nữa, những quy định về kê khai tài sản, thu nhập cũng chưa được rõ ràng, rành mạch nên cả người kê khai lẫn người quản lý kê khai, người kiểm tra, xác minh đều khó thực hiện.
Ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, kê khai tài sản là một câu chuyện dài, đưa ra quy định là đúng nhưng phải làm sao đảm bảo việc kê khai rõ ràng, minh bạch, công bằng. Thời gian qua, quy định là kê khai nhưng công tác kiểm tra, giám sát chưa được sâu sát nên việc kê khai vẫn còn nặng về hình thức. Ông Dũng nhấn mạnh, kê khai mà chỉ để trong cơ quan, trong Đảng biết, dân không biết thì kê khai rất ít tác dụng. Nên quy định chức danh nào phải kê khai và kết quả kê khai phải được công khai cho dân biết. Nếu có dư luận thì cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra. Cứ để người dân giám sát là rõ hết.
Sẽ có quy định về kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý
Năm 2023 là năm UBKTTW triển khai xây dựng quy định và thực hiện nhiệm vụ về kê khai và kiểm tra, xác minh kê khai tài sản thu nhập hàng năm của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ước tính có khoảng 600 người trong diện này. Đây được xem là quyết định đúng đắn bởi đây là đối tượng cần được quan tâm tập trung làm trước một cách chính xác và có hiệu quả. Đây không chỉ là khâu đột phá mà qua đây, sẽ tạo một tiền đề cho cấp dưới, địa phương dựa vào để thực hiện đối với những đối tượng thuộc diện mình quản lý.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Nguyễn Thế Hoàng, việc có một quy định riêng về kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị- Ban Bí thư quản lý là hoàn toàn chính xác. Còn những nhóm cán bộ khác cũng cần phân loại, những đối tượng làm việc trong những lĩnh vực như tài chính, đầu tư… dễ phát sinh tham nhũng cần phải tập trung thực hiện trước. Về nguyên tắc, chỉ nên làm cái gì có thể làm được một cách chính xác và có hiệu quả.
Theo TS Nguyễn Thế Hoàng, quy định hiện hành trong việc kê khai tài sản còn nhiều vướng mắc, phức tạp, khó thực hiện. Nhiều cán bộ kê khai thiếu trung thực thì họ sơ lộ lọt thông tin ra ngoài, lại có dư luận. Đồng thời, đội ngũ những người kiểm tra, xác minh cũng chưa đủ độ tin cậy để người ta tin tưởng, phó thác thông tin về tài sản của mình. Vì vậy, điều đó dễ khiến người ta làm theo kiểu đối phó, chiếu lệ, hình thức, kê khai không trung thực.
Với quan điểm như trên, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, trong việc xây dựng quy định mới về kiểm soát tài sản của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nên lưu ý một số điểm:
Thứ nhất, về tài sản phải kê khai, phải có cách để xác minh độ trung thực của cán bộ một cách rõ ràng, minh bạch. Không nên để xảy ra tình trạng, nếu xác minh thì tất cả mọi người đều vi phạm hoặc đều trở thành người nói dối.
Thứ hai, không nên yêu cầu kê khai tài sản đối với những đối tượng có liên quan vì như thế là vi phạm quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân. Cần phải có phương pháp khác để xác minh tài sản của người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nhờ mang tên hộ, giữ hộ, biếu tặng… chứ không thể bắt những người có liên quan kê khai, trừ những trường hợp mà pháp luật có quy định.
Thứ ba, cần quy định rõ giá trị biến động là bao nhiêu mới phải kê khai. Sự biến động phải đủ lớn; nếu không, khi động đến thì ai cũng sai.
Thứ năm, cần quy định rõ mức độ sai phạm theo giá trị kê khai sai và hình thức kỷ luật tương ứng. Không nên để xảy ra tình trạng kê khai sai vài chục triệu cũng bằng kê khai sai vài chục tỷ. Cần có hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với cả những người có chức trách, nhiệm vụ quản lý, xác minh, theo dõi kê khai.
Thứ sáu, cần quy định rõ về thẩm quyền yêu cầu giải trình, làm rõ, như khi nào mới được yêu cầu giải trình làm rõ và ai, cá nhân hay cơ quan đơn vị nào được quyền yêu cầu giải trình, làm rõ. Cũng giống như cảnh sát giao thông chỉ có quyền dừng xe trong những trường hợp nhất định. Cần quy định rõ thế nào là có biểu hiện vi phạm, thế nào là biểu hiện kê khai không chính xác…
Thứ bẩy, cán bộ đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trước hết cũng là công dân. Vì việc kê khai tài sản có liên quan đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân, quyền bất khả xâm phạm về tài sản và bí mật đời tư... Vì vậy, các quy định, dù là của Đảng, cũng phải căn cứ vào Hiến pháp, pháp luật. Do đó, chỉ nên quy định việc kê khai đối với tài sản phát sinh trong thời gian giữ chức vụ tương ứng.
Thứ tám, cần phải nghiên cứu kỹ sao cho việc kê khai phải chính xác, đơn giản, dễ thực hiện, kiểm soát được… Mặt khác, quy định về kê khai tài sản rất dễ trở thành cơ hội để các phe nhóm lợi dụng, hạ bệ lẫn nhau.
Thứ chín, đối với các cán bộ, công chức khác không thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nên có sự phân loại và thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Chỉ nên yêu cầu một số đối tượng liên quan nhiều đến khả năng, cơ hội tham nhũng mới phải kê khai tài sản chi tiết, định kỳ và cũng chỉ nên kê khai sự biến động của tài sản trong thời gian giữ chức vụ tương ứng.
Tóm lại, quy định phải thế nào để việc kê khai không trở thành gánh nặng đối với người không tham nhũng, không làm ảnh hưởng tới quyền bí mật về tài sản riêng, đời tư của họ; còn đối với những người có tham nhũng thì cũng không thể không kê khai vì có thể kiểm tra, xác minh được. Đừng bắt buộc người kê khai tài sản phải nói dối trong khi họ không tham nhũng, thu nhập chính đáng. Phải làm sao để người ta thích được kê khai, tự hào khi được kê khai, một cách rõ ràng, minh bạch để mọi người đều biết mà không phải sợ hãi, lo lắng bị lợi dụng, mua bán thông tin, quy chụp…