Bộ trưởng Công Thương nói về việc mua điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong bối cảnh điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn hiện tại, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia là phù hợp, đảm bảo được việc ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.
Tại hội thảo cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện với khách hàng (DPPA) và dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24/4, nhiều ý kiến liên quan được đưa ra trao đổi.
Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Trần Việt Hòa cho biết, thời gian qua nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện bày tỏ sự quan tâm tham gia cơ chế DPPA và mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành cơ chế này.
Theo ông Hòa, tư vấn quốc tế đã thực hiện khảo sát với 106 dự án có công suất đặt từ 30MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) trong danh sách Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Có 67 dự án phản hồi với kết quả: 24 dự án (công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia; 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng và 26 dự án trả lời không có nhu cầu tham gia.
Tại hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp ủng hộ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA và Nghị định điện mặt trời mái nhà và cho rằng cần sớm ban hành cơ chế DPPA.
Ông Kim Yong Sup - Phó Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - cho hay, phía Samsung hoàn toàn đồng tình với ý kiến của các lãnh đạo Bộ Công Thương và đại diện doanh nghiệp về sự cần thiết để sớm ban hành cơ chế DPPA với các doanh nghiệp.
Liên quan đến cơ chế bên phát điện sẽ bán trực tiếp qua đường dây riêng, ông Kim Yong Sup mong muốn có những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn để thực hiện ngay, không vướng mắc và không phải chờ đợi hướng dẫn mới. Trong khi, với cơ chế mua bán điện thông qua phát lên lưới tải điện quốc gia, Samsung mong muốn Bộ Công Thương cân nhắc tính giá để đảm bảo tính công bằng và sự cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện cũng như khách hàng.
Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN tại Việt Nam - bà Bùi Thị Diệp Lâm - cho rằng, Nghị định có ý nghĩa quan trọng với các doanh nghiệp và không nên trì hoãn hơn nữa, bởi sẽ ảnh hưởng tới thu hút nước ngoài của Chính phủ. Bộ Công Thương cần ban hành càng sớm càng tốt, giúp cho nhà đầu tư nước ngoài an lòng, nhất là doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư mới.
“Việc này thúc đẩy năng lượng tái tạo và huy động đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Chúng tôi khuyến nghị sớm ban hành, trên nguyên tắc tạo độ mở cho các bên tham gia, tránh đưa vào các nội dung quá chi tiết. Việc ban hành không nhất thiết phải quá cầu toàn và lần đầu tiên thực hiện nên có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, bà Lâm cho hay.
Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cơ chế mua bán điện DPPA trong trường hợp sử dụng hệ thống lưới điện quốc gia thì sản lượng của khách hàng sẽ được thanh toán theo hai thành phần. Trong đó, phần sản lượng tiêu thụ của khách hàng được đáp ứng từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sẽ thanh toán theo cơ chế thị trường, phần sản lượng tiêu thụ điện còn lại sẽ được thanh toán theo quy định hiện hành. Hai chính sách về DPPA và khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu hoàn toàn thống nhất, không mâu thuẫn.
Theo ông Diên, trong giai đoạn hiện tại, trong bối cảnh điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng (trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia) là phù hợp, đảm bảo được việc ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.
“Những cơ chế khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu là bước đột phá trong nỗ lực tháo gỡ các rào cản pháp lý cho phát triển nguồn điện trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn”, ông Diên cho hay.