Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc trực tuyến với Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc trực tuyến với ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE.
Ngày 12/7/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc trực tuyến với Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, để thảo luận về hợp tác song phương và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE.
Tham dự buổi làm việc có đại diện của Bộ Ngoại giao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc trực tuyến với ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tại buổi làm việc, hai bên khẳng định thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao thời gian qua và nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thống nhất các kết quả cụ thể, trình Lãnh đạo hai bên thông qua nhằm nâng quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và UAE lên tầm cao mới.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao đoàn đàm phán hai bên đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua để thu hẹp khoảng cách đối với các nội dung đàm phán. Kết quả đạt được đến thời điểm này là rất đáng khích lệ, giúp hai bên duy trì động lực đàm phán và hoàn thiện nốt các nội dung mang tính kỹ thuật để kết thúc toàn bộ các nội dung đàm phán. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trao đổi gói kết thúc đàm phán để phía UAE nghiên cứu, báo cáo các cấp Lãnh đạo.
Ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE làm việc trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hai bên cũng thống nhất thúc đẩy thảo luận, trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và dầu khí than nhằm phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên trong thời gian tới. Cuối cùng, hai Bộ trưởng thống nhất lộ trình làm việc trong thời gian tới. Cụ thể, hai bên sẽ tiếp tục gặp nhau sau 2 tuần để tiếp tục rà soát các công việc cũng như đưa ra các chỉ đạo cần thiết...
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và UAE theo hướng ngày càng khởi sắc, đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Đồng thời, mở rộng cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó điểm nhấn là khởi động và thúc đẩy đàm phán Hiệp định CEPA.
Quang cảnh buổi làm việc trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trước đó, ngày 27/2/2024, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 tại UAE, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp xúc và làm việc với ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trao đổi với Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE một số nội dung trọng tâm như: Đề nghị Hai bên tích cực phối hợp, sớm hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định CEPA; Hai bên tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực xăng dầu, khí đốt và năng lượng tái tạo, công nghiệp hóa chất...
Ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi đánh giá cao các đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và cho biết, UAE mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và UAE thời gian qua.
Tình hình hợp tác thương mại giữa Việt Nam và UAE Về trao đổi thương mại, UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2018-2022, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (từ 3-4 tỷ USD/năm). Năm 2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 4,3% và nhập khẩu đạt trên 676 triệu USD, tăng 16%. Về cơ cấu hàng hóa, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, hàng dệt may, sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nhựa, đồ gỗ nội thất… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ UAE gồm chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng (LPG), chế phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu thức ăn gia súc, kim loại thường, hóa chất… |