Bộ Nội vụ đề xuất sắp xếp các phòng cấp quận, huyện
Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, ở cấp huyện, các phòng được tổ chức thống nhất có 9 phòng, các phòng được tổ chức đặc thù có 3 phòng.
Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự thảo Nghị định cơ bản kế thừa các quy định về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Ảnh minh hoạ: Chinhphu.vn |
Dự thảo Nghị định cơ bản kế thừa các quy định về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định, cụ thể như sau:
Sắp xếp các phòng chuyên môn, phòng đặc thù
Về số lượng phòng, dự thảo cho biết căn cứ quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định và yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, địa phương quyết định việc thành lập các phòng cho phù hợp, bảo đảm không vượt quá 10 phòng.
Đối với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được tổ chức 10 phòng (chưa tính số phòng tăng thêm theo quy định của Luật Thủ đô và phòng được thí điểm thành lập). TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được quyết định việc thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, bảo đảm phù hợp với đặc thù thành phố và không vượt quá số phòng theo quy định.
Đối với việc tổ chức, các phòng được tổ chức thống nhất có 9 phòng, gồm Phòng Nội vụ; Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Phòng Y tế; Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị; Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Thanh tra huyện; Văn phòng HĐND và UBND.
Các phòng được tổ chức đặc thù có 3 phòng, gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường tại quận, thành phố thuộc thành phố; Phòng Nông nghiệp và Môi trường tại huyện, thị xã; Phòng Dân tộc và Tôn giáo.
Cụ thể, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; môi trường; biển và hải đảo (đối với các huyện có biển, đảo); phòng, chống thiên tai; giảm nghèo.
Phòng Nông nghiệp và Môi trường tại huyện, thị xã sẽ tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; môi trường; biển và hải đảo (đối với các huyện có biển, đảo); nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy lợi; thủy sản; phát triển nông thôn; phòng, chống thiên tai; giảm nghèo; chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thủy sản, muối; phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại nông thôn, kinh tế hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp gắn với ngành nghề, làng nghề nông thôn.
Phòng Dân tộc và Tôn giáo tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo. Phòng Dân tộc và Tôn giáo được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí là có ít nhất 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển.
Đồng thời có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại. Đối với các địa phương không tổ chức riêng Phòng Dân tộc và Tôn giáo thì sáp nhập và chuyển chức năng, nhiệm vụ về Phòng Nội vụ.
Biên chế tối thiểu cấp phòng
Về biên chế tối thiểu của phòng ít nhất là 5 biên chế. Trường hợp không đủ biên chế tối thiểu theo quy định, địa phương thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập theo quy định và phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương.
Về người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu phòng, bổ sung tiêu chí về biên chế đối với phòng thuộc sở quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định. Bổ sung quy định đối với các phòng thuộc UBND cấp huyện thuộc TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ngoài tông số lượng phó trưởng phòng theo quy định tính bình quân chung thì mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố được tăng thêm không quá 5 phó trưởng phòng.
Theo dự thảo nghị định, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện làm việc theo chế độ thủ trưởng và theo Quy chế làm việc của UBND cấp huyện, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của các cơ quan chuyên môn theo quy định.
Trưởng phòng có trách nhiệm căn cứ các quy định của pháp luật và phân công của UBND cấp huyện xây dựng Quy chế làm việc, chế độ thông tin báo cáo của cơ quan và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Quy chế đó.
Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện về việc thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình và các công việc được UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện phân công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí; gây thiệt hại trong tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý của mình.
Trưởng phòng có trách nhiệm báo cáo với UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện và sở quản lý ngành, lĩnh vực về tổ chức, hoạt động của cơ quan mình; báo cáo công tác trước HĐND và UBND cấp huyện khi được yêu cầu; phối hợp với người đứng đầu cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Về quan điểm xây dựng dự thảo nghị định, quy định việc hợp nhất, sắp xếp, tinh gọn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện tương đồng với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ (tuy nhiên không nhất thiết Trung ương có bộ quản lý ngành, lĩnh vực nào thì địa phương cũng có sở, phòng tương ứng); bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương. |