Bộ Công Thương thông tin về vai trò các thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu
Bộ Công Thương thông tin về về vai trò các thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu tại Việt Nam và hệ thống phân phối xăng dầu của các nước.
Điều kiện gia nhập thị trường làm thương nhân đầu mối của Việt Nam còn cao
Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý II/2022, nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi cho Bộ Công Thương: Trong bối cảnh Việt Nam có hàng trăm doanh nghiệp phân phối và 36 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, nhưng trên thị trường vẫn có tình trạng khan hiếm xăng dầu, trong khi nước lớn như Nhập Bản chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị bỏ loại hình thương nhân phân phối khi cho rằng việc có quá nhiều khâu trung gian là một phần nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu "loạn nhịp" khi có biến động, dẫn đến tình trạng đứt nguồn cung thời gian vừa qua, đặc biệt là loại hình thương nhân phân phối - chỉ là khâu mua bán đứt đoạn, không phải là nơi phát nguồn.
Giải thích về khâu phân phối xăng dầu, Bộ Công Thương thông tin, hiện cả nước có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 4 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không tại các sân bay. Còn số lượng thương nhân phân phối là 332. Ngoài ra, còn hệ thống bán lẻ xăng dầu, hiện có khoảng gần 17.000 cửa hàng phân bố khắp các vùng miền trên cả nước.
Theo Bộ Công Thương, việc hình thành loại hình thương nhân phân phối xăng dầu với các điều kiện theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về phương tiện vận tải, kho chứa xăng dầu, phòng kiểm nghiệm xăng dầu, hệ thống cửa hàng trực thuộc và đại lý... với quyền về nguồn hàng của thương nhân phân phối linh hoạt hơn đại lý bán lẻ xăng dầu, đã hỗ trợ cho 34 thương nhân đầu mối phân bổ nguồn hàng, góp phần cung ứng tốt hơn xăng dầu…
Bộ Công Thương thông tin về vai trò các thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu |
Về vấn đề số lượng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng, xét theo khái niệm về thương nhân đầu mối của các nước (là thương nhân có chức năng vừa sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối) thì Việt Nam chỉ có 2 thương nhân là Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Bởi những thương nhân còn lại, theo khái niệm quy định tại Nghị định số 83 và Nghị định 95, chỉ là các thương nhân có chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu. “Vì vậy, nếu so sánh với các nước trong khu vực thì số lượng của Việt Nam là thấp do điều kiện gia nhập thị trường làm thương nhân đầu mối của Việt Nam còn cao” - Bộ Công Thương cho hay.
Các nước trong khu vực không hạn chế doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu
Dẫn báo cáo của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Công Thương cũng nêu thực tế quản lý nhà nước và số lượng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại một số nước trong khu vực.
Đơn cử, tại Singapore, Luật xăng dầu đã được hủy bỏ vào năm 2005 và không có văn bản thay thế. Hiện Singapore có 4 doanh nghiệp thực hiện các công đoạn từ sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, bán buôn bán lẻ xăng dầu, trong đó 3 doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.
Thị trường xăng dầu tại Singapore trước đây được đánh giá là hạn chế cạnh tranh và có dấu hiệu độc quyền theo chiều dọc với chỉ 4 doanh nghiệp sản xuất, phân phối.
Do đó, Chính phủ Singapore đã có chiến lược lôi kéo các công ty xăng dầu lớn của nước ngoài về Singapore hoạt động theo quy chế “Doanh nghiệp được phép buôn bán dầu”. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được mở rộng kinh doanh sang cả các mặt hàng khác như khoáng sản, vật liệu xây dựng, vật liệu điện tử… ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức từ 5-10%.
“Đến nay, Singapore đã thu hút được hơn 500 doanh nghiệp toàn cầu tham gia vào lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu” - Bộ Công Thương thông tin.
Tại Trung Quốc, có 3 Tổng công ty xăng dầu trực thuộc Nhà nước, có tổng cộng 106.000 trạm kinh doanh xăng dầu trên cả nước (tính đến hết năm 2019), với 458 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.
Còn tại Nhật Bản, các doanh nghiệp được tự do tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu tại Nhật Bản, ngoại trừ việc phải đáp ứng một số tiêu chuẩn bắt buộc về dự trữ, kiểm soát chất lượng và tính an toàn của sản phẩm.
Hiện nay, Nhật Bản có 11 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “đầu mối” (có chức năng vừa sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu)...
Từ thực tế các nước, Bộ Công Thương cho rằng, hầu hết các nước trong khu vực không quy định về việc hạn chế doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu (chưa kể một số nước khuyến khích sự tham gia). Việc quản lý nhà nước của các quốc gia này chủ yếu tập trung vào vấn đề kiểm soát chất lượng, dự trữ bảo đảm an ninh năng lượng, tính an toàn trong kinh doanh và bảo vệ môi trường.