Nghệ nhân trẻ giữ hồn cho tượng gỗ dân gian ở Đắk Lắk
Bằng việc “thổi hồn” cho những khúc gỗ vô tri, anh Y Ser Bkrông mong muốn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất của cha ông để lại.
Hết mình với đam mê
Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh Y Ser Bkrông, SN 1985, trú tại buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk luôn cháy hết mình với niềm đam mê tạc tượng gỗ dân gian.
Với anh, tạc tượng gỗ dân gian không chỉ tô điểm thêm cho cuộc sống mà còn góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống và là một phần quan trọng trong việc phát triển du lịch.
Anh Y Ser cho biết, từ khi còn nhỏ anh đã được tận mắt thấy ông ngoại sử dụng những khúc gỗ, gốc cây để làm cối, chày phục vụ cho những sinh hoạt trong gia đình.
Đến khi lớn lên, mỗi khi nhìn thấy khúc cây, đoạn gỗ, anh lại tưởng tượng ra những con vật, hình người nên dùng dao, xà gạc chặt ra thành những hình khối của con vật, hình người xuất hiện trong suy nghĩ của mình.
Thế nhưng, những dụng cụ không chuyên ấy đã không giúp anh tạo thành những bức tượng như mong muốn.
Không bỏ cuộc, anh Y Ser đã âm thầm tìm hiểu cách tạc tượng gỗ, đồng thời tìm đến các nghệ nhân có tiếng ở đại ngàn Tây Nguyên để học hỏi kinh nghiệm tạc tượng.
Đến năm 2010, sau khoảng 10 năm tự trao dồi kiến thức về tạc tượng gỗ dân gian, anh Y Ser không khỏi vui sướng khi tạc thành công bức tượng đầu tiên về con voi Tây Nguyên.
“Sở dĩ tôi tạc tượng voi đầu tiên trong hành trình tạc tượng của mình bởi hình ảnh con voi gắn liền với cuộc sống của người dân Tây Nguyên. Hơn nữa, tượng voi cũng dễ tạc bởi chi tiết đơn giản và không quá tỉ mỉ”, anh Y Ser cho hay.
Theo anh Y Ser, khó khăn lớn nhất của việc tạc tượng gỗ dân gian là tìm kiếm gốc cây, gỗ để tạc tượng. Anh lý giải: “Mỗi khi hình dung ra một tác phẩm nào đó, tôi liền đi tìm nguyên liệu gỗ về để thỏa mãn sáng tạo của mình.
Tuy nhiên, do cây cối, gỗ ngày càng khan hiếm nên mỗi lần tạc tượng, tôi phải tìm kiếm khắp nơi trên rẫy để sưu tầm những gốc cây, đoạn gỗ ưng ý, đúng thế tượng mang về tạc. Thậm chí, tôi phải đặt mua gốc, rễ cây của người dân về phục vụ tạc tượng”.
Không chỉ vậy, anh Y Ser còn mạnh dạn tham gia các cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian nhằm học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức cho bản thân. Với tinh thần không ngừng nỗ lực, anh đã giành giải Nhì trong Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên năm 2015 với tác phẩm “Đôi chân trần”.
“Tác phẩm “Đôi chân trần” mà tôi đoạt giải đã khắc họa người đàn ông Ê Đê gầy gò, cầm chiếc xà gạc và đi chân đất. Qua đó, muốn nói lên sự hy sinh của người đàn ông trong gia đình, không màng đến bản thân mình để lo toan cho gia đình, con cái” – anh Y Ser nói.
Tiếp đó, năm 2017, anh Y Ser tiếp tục tham gia cuộc thi tạc tượng và được giải khuyến khích với tác phẩm “Tâm tư già làng”.
Những khúc gỗ vô tri chứa đựng truyền thống tốt đẹp
Khi được hỏi về nguồn gốc của nghề tạc tượng gỗ dân gian, anh Y Ser cho biết, trước đây, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chủ yếu tạc tượng để trang trí nhà mồ (hay còn gọi là tượng nhà mồ), nhằm tái hiện những tính cách đặc trưng nhất của người đã khuất. Đồng thời, thể hiện tình cảm thương yêu của những người thân trong gia đình với người đã mất.
Anh Y Ser cho rằng, để tượng ở nhà mồ là người còn sống mong muốn không để người đã khuất phải cô đơn, lạnh lẽo ở thế giới bên kia. Không chỉ vậy, việc đặt tượng ở nhà mồ còn thể hiện uy tín của người đã mất.
Do đó, những ngôi mộ càng nhiều tượng thì chứng tỏ khi còn sống, người nằm dưới mộ rất có uy tín trong gia đình, trong làng, buôn. Đồng thời, qua đó cũng thể hiện cho sự khá giả của gia đình có người mất.
Sau này, do tác động của văn hóa hiện đại, tạc tượng gỗ dân gian có thêm các nhóm tượng trang trí trong nhà, trên bàn thờ, khu du lịch, khu sinh thái.
Theo anh Y Ser, mỗi bức tượng mà anh tạc ra đều mang đậm chất văn hóa Tây Nguyên nói chung và truyền thống văn hóa của người Ê Đê nói riêng.
Qua đó, người ngắm tượng sẽ hiểu được những sinh hoạt, tập quán, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Nói đến đây, Y Ser đưa mắt nhìn về bộ tượng đánh chiêng Knăh do mình tạc ra. Anh Y Ser lý giải: “Tôi là một thành viên của đội chiêng trong buôn. Quá trình tham gia đánh chiêng, tôi đã nhận ra, cồng chiêng rất quan trọng, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và là tài sản vô giá của người đồng bào dân tộc Ê Đê.
Do đó, tôi đã sưu tầm các gốc cây, khúc gỗ về tạc cho bằng được bộ chiêng Knăh nhằm khắc họa không gian văn hóa cồng chiêng Ê Đê, với 7 người đánh chiêng và 1 người đánh trống”.
Bên cạnh đó, bức tượng người cha ôm mặt trời soi đường cho người con đi do anh Y Ser tạc ra cũng tạo sự tò mò, thích thú cho nhiều du khách về ý nghĩa của bức tượng.
Hay đó là bức tượng ông già làng ngồi hút thuốc và một đứa trẻ mang lửa đến cho ông già châm thuốc; tượng người vợ địu con, người chồng vác xà gạc cùng nhau đi lên rẫy...
Tất cả đều nói lên những tập quán sinh hoạt, lao động, văn hóa của người Ê Đê.
Đặc biệt, bức tượng người anh kéo 3 người em của mình lên khỏi vực thẳm cũng gây ấn tượng cho rất nhiều người. Với bức tượng này, anh Y Ser đã khắc họa lại tình yêu thương, đoàn kết của 4 anh em trong gia đình mình.
“Là con cả trong gia đình, tôi luôn dành tình cảm tốt đẹp nhất và dìu dắt các em của mình. Tạc bức tượng này, tôi muốn nói với các em của mình rằng, dù có khó khăn, vất vả bao nhiêu đi nữa thì anh em trong nhà phải luôn đoàn kết, giúp đỡ, đùm bọc nhau để cùng vượt qua mọi thách thức, khó khăn của cuộc sống”, anh Y Ser chia sẻ.
Được biết, đã có rất nhiều người đến hỏi mua bức tượng 4 anh em kéo nhau lên khỏi vực thẳm nói trên. Thế nhưng, anh Y Ser nhất quyết không bán mà cất giữ như một tài sản quý giá của mình để nhắc nhở các em của mình trong cuộc sống.
Xuất phát từ những giá trị của việc tạc tượng gỗ dân gian, thời gian qua, anh Y Ser đã âm thầm chỉ dạy kinh nghiệm tạc tượng cho nhiều lớp trẻ trong gia đình, buôn làng.
Không chỉ vậy, anh còn đi tạc tượng cho nhiều khu du lịch, khu sinh thái tại Tp.Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Đôn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk để phục vụ khách du lịch.
Anh Y Ser nói thêm: “Tạc tượng không chỉ giúp tôi có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình mà còn rất quan trọng trong việc phát du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Nhiều du khách đến Đắk Lắk không khỏi thích thú và muốn tìm hiểu về ý nghĩa của tượng dân gian, qua đó hiểu được văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Thậm chí, nhiều người còn đặt nghệ nhân tạc tượng để mang về trang trí, trưng bày trong nhà”.
Ông Y Mnông Hmok, Bí thư Đảng ủy xã Ea Kao cho biết, trên địa bàn có 8 thôn, buôn người đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, rất hiếm người có niềm đam mê và biết tạc tượng gỗ dân gian như anh Y Ser, cả xã chỉ có một vài người.
Điều đáng quý, để tạc tượng gỗ, anh Y Ser không ngừng tự mình mày mò, học hỏi khắp nơi. “Việc tạc tượng gỗ dân gian của anh Y Ser đã góp phần khắc họa, bảo tồn, lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp cho các thể hệ mai sau biết được nguồn gốc của mình”, ông Y Mnông nói.
Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, nghệ thuật tạc tượng gỗ đối với người Tây Nguyên nói chung, đặc biệt là người Ê Đê có nguồn gốc từ tượng nhà mồ.
Trước đây, những nghĩa địa của người Ê Đê có rất nhiều tượng nhà mồ để diễn tả nỗi buồn của người sống, qua đó chia sẻ với người mất. Tuy nhiên, sau này người Ê Đê không còn tạc tượng nhà mồ nữa vì không còn gỗ.
“Phải là nghệ nhân rất đặc biệt thì mới có thể tạc được tượng gỗ, chứ không phải ai cũng làm được. Việc khôi phục lại nghệ thuật tạc tượng gỗ góp phần làm sinh động thêm đời sống, nét đẹp văn hóa của người Ê Đê và tác dụng tốt cho du lịch.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, để khôi phục và phát triển nghệ thuật tạc tượng gỗ là rất khó thực hiện bởi nguồn gỗ hầu như không còn.
Do đó, chỉ thông qua các cuộc thi tạc tượng, những ngày hội văn hóa và hoạt động cụ thể để phục dựng lại nghệ thuật tạc tượng nhằm bảo tồn và giúp cho du khách, quần chúng nhân dân biết thêm về nghệ thuật này”, ông Duẩn thông tin.
Khánh Ngọc