11 nền tảng số được phổ cập tới người dân các xã, phường, thị trấn tại Yên Bái
UBND tỉnh Yên Bái sẽ triển khai chuyển đổi số trên địa bàn với 11 nền tảng, ứng dụng dùng chung như nền tảng địa chỉ số; nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt...
Kế hoạch triển khai chuyển đổi số xã, phường, thị trấn của tỉnh Yên Bái năm 2022 mới được ban hành nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo công tác an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự địa phương, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tại kế hoạch này, UBND tỉnh Yên Bái đã xác định quan điểm thực hiện chuyển đổi số tại cấp xã, phường, thị trấn trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được từ mô hình chuyển đổi số của xã Tú Lệ , huyện Văn Chấn. Đồng thời, bám sát vào các hướng dẫn của Bộ TT&TT, các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; có sự đồng thuận của các bên tham gia và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị.
Theo kế hoạch, UBND các huyện, thị xã, thành phố tại Yên Bái lựa chọn tối thiểu 30% số xã, phường, thị trấn để chuyển đổi số bảo đảm hoàn thành 17 mục tiêu đề ra, gồm 4 mục tiêu tiêu về hạ tầng số, 5 mục tiêu chính quyền số, 2 mục tiêu kinh tế số và 6 mục tiêu xã hội số.
Sau khi triển khai thành công tại xã, phường, thị trấn chuyển đổi số sẽ nâng một số mục tiêu cao hơn và bổ sung mục tiêu mới với tổng số 13 mục tiêu, gồm 5 mục tiêu phát triển từ xã chuyển đổi số nâng lên và 8 mục tiêu mới. Trong đó, hạ tầng số có 3 mục tiêu phát triển từ xã chuyển đổi số nâng lên và 2 mục tiêu mới; chính quyền số có 1 mục tiêu phát triển từ xã chuyển đổi số nâng lên, 3 mục tiêu mới; kinh tế số có 1 mục tiêu phát triển từ xã chuyển đổi số nâng lên; xã hội số có 3 mục tiêu mới.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Yên Bái xác định rõ các nền tảng, ứng dụng dùng chung sẽ được triển khai để chuyển đổi số xã, phường, thị trấn trong năm nay, gồm: Nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái"; Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; Nền tảng họp không giấy tờ; Học bạ điện tử, Sổ điểm điện tử, Sổ liên lạc điện tử; Nền tảng họp trực tuyến; Nền tảng sàn thương mại điện tử; Nền tảng địa chỉ số; Nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt; Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa.
Thời gian chuyển đổi đổi số tại xã, phường của tỉnh Yên Bái kéo dài từ tháng 6/2022 đến hết tháng 11/2022. Kết quả sẽ được đánh giá, công bố vào tháng 12/2022. Đây là căn cứ để nhân rộng chuyển đổi số cấp xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh bảo đảm hiệu quả, bền vững và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Trước đó, trong năm 2021, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn là xã đầu tiên tại Yên Bái được UBND tỉnh lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã. Sau hơn 8 tháng thí điểm, mô hình chuyển đổi số tại Tú Lệ bước đầu đã được hình thành, làm thay đổi nhận thức của chính quyền, người dân về chuyển đổi số.
Chia sẻ kinh nghiệm rút ra từ thí điểm chuyển đổi số tại xã Tú Lệ, đại diện Sở TT&TT Yên Bái cho biết, khi bắt đầu phải xác định và đánh giá cụ thể điều kiện về con người, hạ tầng, trình độ, điều kiện tiếp cận công nghệ của người dân tại địa phương để xây dựng giải pháp phù hợp.
Cùng với đó, phải tuyên truyền tích cực để cán bộ, đảng viên, người dân và doanh nghiệp hiểu thế nào là chuyển đổi số, chuyển đổi số ở lĩnh vực nào và mang lại lợi ích ra sao thì quá trình thực hiện mới thuận lợi, thu hút sự tham gia của mọi người.
Ngoài ra, vì điều kiện địa lý xa nên sự phối hợp giữa các đơn vị rất khó khăn, bởi vậy luôn phải có sự thống nhất, trao đổi nhanh chóng giữa các cấp, các bộ phận, công việc thông qua các nhóm (Group), khi có được sự đồng thuận thực hiện ngay. Cần xây dựng đội ngũ, lực lượng tham gia xung kích, tích cực để triển khai các nhiệm vụ, ở đây là Đoàn thanh niên - Tổ chuyển đổi số cộng đồng.