Không có tiền mua hàng hiệu mới, người Trung Quốc đổ xô "săn" đồ cũ
Thị trường kinh doanh hàng xa xỉ đã qua sử dụng ở Trung Quốc đang phát triển và có khả năng đạt đến 30 tỷ USD vào năm 2025.
Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ hàng xa xỉ hàng đầu khi một số thương hiệu phụ thuộc vào doanh thu của nước này. Tuy nhiên, thị trường đồ cũ tại đây không quá được ưa chuộng cho đến gần đây. Theo xu hướng mới nhất, nhu cầu về hàng hiệu đã qua sử dụng dường như đang tăng lên, đặc biệt là sau đại dịch. Điều này giúp cho việc kinh doanh của Zhu Tainiqi, người sáng lập nền tảng hàng hóa secondhand ZZER có trụ sở tại Thượng Hải tăng trưởng tốt.
Theo Tainiqi, ngày càng có nhiều người muốn bán túi Hermes Birkin hoặc đồng hồ Rolex để thu hồi tiền, trong khi người mua thì cũng có nhiều nhu cầu. Anh cho biết số lượng người mua bán của ZZER tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền tảng này hiện có 12 triệu thành viên và dự kiến sẽ bán được 5 triệu sản phẩm cao cấp trong năm nay.
Một nhân viên văn phòng tên là Wang Jianing đang tìm cách mua các sản phẩm xa xỉ đã qua sử dụng. “Sức mua của tôi chắc chắn sẽ giảm trong năm nay nhưng tôi vẫn thích và không thể kiềm chế mong muốn mua nó”, cô nói khi đứng trước cửa hàng Louis Vuitton và Gucci ở trung tâm thành phố Thượng Hải.
ZZER đang dựa trên những cảm xúc của các khách hàng như Wang để tăng trưởng. Công ty, khởi đầu là một nền tảng trực tuyến vào năm 2016, đã bắt đầu mở các cửa hàng ở Thượng Hải, Thành Đô vào năm ngoái và hiện đang tìm kiếm thêm không gian mở rộng ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Thâm Quyến.
Ngoài ZZER, các nền tảng hàng đầu khác ở Trung Quốc khác như Feiyu, Ponhu và Plum đều thu hút hàng chục triệu USD của các quỹ đầu tư mạo hiểm vào năm 2022 và 2021 nhằm cải thiện các phương pháp xác thực, mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng và trong một số trường hợp sẽ chuyển từ mô hình trực tuyến sang cả online và offline. Các nhà phân tích cho rằng thị trường bán lại hàng xa xỉ của Trung Quốc hiện tại vẫn do các công ty trong nước thống trị và dự kiến sẽ tăng lên 30 tỷ USD vào năm 2025 từ 8 tỷ USD năm 2020.
Trong khi túi xách là mặt hàng bán chạy nhất thì đồng hồ và trang sức cũng đang tăng dần theo nhu cầu. Túi Prada Messenger hoặc Fendi Baguette được bán lại với giá thấp hơn từ 30% đến 40% so với giá ban đầu. Một số sản phẩm đã chứng kiến khoảng cách về giá ngày càng xa do nhiều người đổ xô bán hàng trực tuyến.
Người bán đồ hàng hiệu kỳ cựu, Ou Huimin cho biết giá đồng hồ Rolex Submariner đã tăng gần 250% từ năm 2020 đến năm 2021, nhưng giảm xuống 60% trong năm nay. “Giờ đây, việc tiêu dùng đã trở nên hợp lý hơn", cô nói thêm.