Thế giới lại ghi nhận những kỷ lục mới về biến đổi khí hậu
Dù không mới nhưng cứ mỗi lần nói về vấn đề này, chúng ta lại bước đến một giới hạn mới, thế giới lại ghi nhận những kỷ lục mới về biến đổi khí hậu.
Đã có nhiều thông điệp, nhiều cảnh báo, nhưng chúng ta vẫn đang chưa hành động đủ nhanh, chưa hợp tác đủ mạnh trước các tác động của con người đến tự nhiên. Trong khi các thảm họa thiên nhiên đang đến nhanh hơn và không báo trước.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: "Nhân loại đã mở ra cánh cổng địa ngục. Nắng nóng khủng khiếp đang gây ra những hậu quả khủng khiếp, người nông dân đau khổ nhìn mùa màng bị lũ cuốn trôi. Nhiệt độ oi bức sinh bệnh và hàng ngàn người chạy trốn trong sợ hãi khi những trận hỏa hoạn lịch sử hoành hành".
Những lời mở đầu của Hội nghị thượng đỉnh về tham vọng khí hậu đã mô tả sự thật khốc liệt nhất từ tác động của biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký LHQ kêu gọi các nước phát triển đạt mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2040, sớm hơn 10 năm so với các cam kết hiện tại của nhiều nước. "Việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang diễn ra, nhưng chúng ta đã chậm hơn nhiều thập kỷ. Chúng ta phải bù đắp thời gian đã mất do chần chừ, do lòng tham, do những lợi ích cố hữu kiếm được từ nhiên liệu hóa thạch".
Liên hợp quốc kêu gọi xây dựng 1 Hiệp ước Đoàn kết Khí hậu, nhấn mạnh công bằng khí hậu, kêu gọi các nước giàu hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi để họ có thể vượt qua khủng hoảng. Trong đó các nước phát triển cần đáp ứng cam kết 100 tỷ USD bổ sung cho Quỹ Khí hậu xanh và tăng gấp đôi kinh phí thích ứng. Việc tạo ra hệ thống cảnh báo sớm cho mọi người vào năm 2027 cũng là điều bắt buộc.
Tổng thư ký Antonio Guterres: "Các hành động khí hậu đang thất bại trong thời gian ngắn những vẫn còn thời gian để giữ nhiệt độ tăng trong giới hạn 1,5 độ của Thỏa thuận Paris. Điều đó đòi hỏi những bước đi quyết liệt ngay bây giờ để cắt giảm lượng khí thải nhà kính và đảm bảo công bằng về khí hậu. Các nước G20 chịu trách nhiệm cho 80% về khí thải nhà kính, họ phải dẫn đầu, họ phải chấm dứt cơn nghiện nhiên liệu hóa thạch".
Tổng thống Kenya William Ruto: "Những gì chúng ta cần là sự công bằng, một hệ thống tài chính công bằng, khả năng tiếp cận thị trường công bằng cho tài sản, sản phẩm và dịch vụ xanh, cơ chế thương mại công bằng nhằm tạo điều kiện triển khai vốn hiệu quả ở những địa điểm mang lại lợi thế so sánh cao nhất cho quá trình khử carbon toàn cầu".
Biển đổi khí hậu đẩy các tình trạng thời tiết đến thái cực mới
Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng Khí hậu diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lũ lụt, động đất, cháy rừng tàn khốc. Các tình trạng thời tiết cực đoan, thảm họa thiên nhiên đã diễn ra nhiều hơn, với cường độ mạnh hơn. Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khiến cho mưa lũ cao gấp hơn 50 lần, gây ra trận lũ lụt kinh hoàng, cướp đi mạng sống của hơn 10 nghìn người dân Libya. Các chuyên gia cảnh báo, biến đổi khí hậu đang đẩy các tình trạng thời tiết đến những thái cực mới.
Bà Friederike Otto - Giảng viên cao cấp, Viện nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu: "Dựa trên các dữ liệu và các khu vực mà chúng tôi đã nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng về cường độ và khả năng xảy ra sự kiện trong các quan sát đã tăng theo thứ tự tăng gấp 10 lần rồi 40 hoặc 50 lần".
Ông Kostas Lagouvardos - Giám đốc nghiên cứu tại Đài quan sát Quốc gia Athens, Hy Lạp: "Cơn bão Daniel đã cho thấy các tác động của biến đổi khí hậu đối với thảm họa tự nhiên. Và sau cơn bão Daniel, bạn phải xem lại một lần nữa tất cả các chính sách của chúng ta về hệ thống cảnh báo sớm, về hệ thống cảnh báo sớm dựa trên tác động, về tái cơ cấu cơ quan bảo vệ dân sự để tập hợp các nhà khoa học và lực lượng ứng phó đầu tiên cùng nhau làm việc theo thứ tự để chuẩn bị tốt hơn cho một giai đoạn như thế này, hoặc có thể là một giai đoạn thảm khốc hơn trong những năm tới".
Các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu
Tại Hội nghị thượng đỉnh về Tham vọng khí hậu, nhiều nhà lãnh đạo cũng đã nêu rõ, trọng tâm của cuộc khủng hoảng khí hậu là về vấn đề nhiên liệu hóa thạch. Vì thế, nhiệm vụ cấp bách là cần cắt giảm đáng kể phát thải nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi kinh tế carbon thấp.
Mỗi quốc gia đang có các chiến lược riêng và có nhiều biện pháp, lộ trình chuyển đổi năng lượng, các sáng kiến chuyển đổi xanh.
Tuy vậy, với rất nhiều quốc gia đang phải hứng chịu hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn thì cần thực hiện các biện pháp cấp bách hơn để giúp các nước này thích ứng với tình hình.
Nghiên cứu cho thấy, cảnh báo 24 giờ về một đợt nắng nóng hoặc bão sắp tới có thể giảm 30% thiệt hại sau đó. Hệ thống cảnh báo sớm đưa ra dự báo khí hậu là một trong những biện pháp thích ứng hiệu quả nhất về chi phí, cứ mỗi USD đầu tư sẽ mang lại tổng lợi ích khoảng 9 USD.
Phục hồi hệ sinh thái
Tại các thành phố, việc khôi phục các khu rừng đô thị làm mát không khí và giảm các đợt nắng nóng. 1 cây cho hiệu quả làm mát tương đương với 2 điều hòa nhiệt độ hoạt động trong 24 giờ. Tại các bờ biển, rừng ngập mặn cung cấp các biện pháp phòng thủ tự nhiên của biển khỏi nước dâng do bão bằng cách làm giảm độ cao và sức mạnh của sóng biển.
Cơ sở hạ tầng thích ứng
Cơ sở hạ tầng chịu trách nhiệm cho 88% của tất cả các chi phí thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu ở các nước thu nhập thấp và trung bình có thể tạo ra tổng lợi ích khoảng 4,2 nghìn tỷ USD, với mỗi USD đầu tư mang lại khoảng 4 USD.
Cơ sở hạ tầng thích ứng
Các giải pháp thích ứng với khí hậu sẽ hiệu quả hơn nếu được lồng ghép vào các chiến lược và chính sách dài hạn. Các kế hoạch thích ứng quốc gia cần đưa ra các kịch bản khí hậu trong nhiều thập kỉ để tính đến các nhu cầu, giải pháp thích ứng.
Khoảng 70 quốc gia đã xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia, nhưng con số này đang tăng lên nhanh chóng.
Như Tổng thư ký Liên hợp quốc đã nói, tương lai của nhân loại nằm ở trong tay chính chúng ta. Một hội nghị thượng đỉnh sẽ không thay đổi thế giới, nhưng những thông điệp từ Hội nghị, các cam kết, giải pháp và những viên gạch đặt ra từ đó sẽ giúp tạo ra các động lực tiếp theo cho các nỗ lực toàn cầu trong thời gian tới. Các nước, các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và mọi người đều phải tăng tốc, biến các kế hoạch thành hành động để lật ngược các tình thế mà thế giới đang đối mặt trước biến đổi khí hậu.