Tăng trưởng dân số thế giới và tác động tới kinh tế toàn cầu
Ngày 15/11, dân số thế giới đã chạm mốc 8 tỷ người. Con số này có ý nghĩa gì lớn lao và đằng sau nó là những tác động như thế nào lên các nền kinh tế trên thế giới.
Theo Liên Hợp Quốc, dân số thế giới chạm mốc8 tỷ ngườivào ngày 15/11 và dự báo Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất vào năm sau, năm 2023. Đây là một con số ấn tượng. Nhưng những dấu mốc quan trọng nhất lại nằm ở chặng đường vài chục năm sắp tới. Theo Liên Hợp Quốc, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên được dự báo tăng 10% vào năm 2022, lên 16% vào năm 2050. Dân số già là mối quan tâm và thách thức lớn của nhiều nền kinh tế.
Tình trạng già hóa dân số
Tại châu Âu, già hoá dân số đặt ra bài toán khó cho các chính phủ trong việc duy trì hệ thống lương hưu, chăm sóc sức khoẻ, và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động cho nền kinh tế. Ví dụ, tại Anh, dữ liệu mới đây cho thấy, có khoảng 1,3 triệu vị trí việc làm không thể tìm được người lao động lấp vào. Con số này đã liên tiếp lập kỷ lục kể từ sáu tháng cuối năm 2021.
Còn tại Trung Quốc, một trong những quốc gia đông dân nhất hành tinh, dân số già cũng đang là thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Tại đây, gần như cứ 5 người thì có 1 người là trên 60 tuổi.
Ông Ninh Cát Triết, Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nói: "Số liệu điều tra dân số cũng cho thấy sự phát triển dân số của Trung Quốc đang đứng trước một số mâu thuẫn về cơ cấu, như quy mô dân số trong độ tuổi lao động và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm, mức độ già hóa ngày càng sâu, tổng tỷ suất sinh giảm, số lượng sinh đi xuống".
An ninh lương thực
Chỉ mất 11 năm để dân số thế giới tăng từ 7 tỷ người, lên 8 tỷ người. Theo các nhà khoa học, dân số thế giới đang vượt quá giới hạn bền vững của Trái đất. Cứ thế này tới năm 2050, dân số thế giới có thể cán mốc 9,7 tỷ người. Theo tính toán của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, mỗi ngày hành tinh chúng ta lại có thêm 200.000 miệng ăn nữa.
Ông Timothy Large, Giám đốc Báo chí và Truyền thông, Hãng thông tấn Reuters, nhận định: "Để nuôi sống được 9,7 tỷ con người vào năm 2050, sản lượng lương thực thế giới cần phải tăng gấp rưỡi so với hiện nay, nghĩa là trong 40 năm tới con người cần phải có một lượng lương thực tương đương với lượng đã được cha ông ta sản xuất ra trong 8.000 năm qua".
Người ta có thể chỉ để tâm tới bong bóng chứng khoán, hay nhà đất, nhưng bong bóng thực phẩm cũng là một rủi ro lớn đối với hành tinh này. Viện Chính sách trái đất (EPI) cảnh báo hiện tượng thiếu hụt lương thực đã bắt đầu xuất hiện rõ nét vào cuối năm 2010. Điều này tất yếu dẫn tới giá lương thực, thực phẩm tăng và đã đạt mức kỷ lục ở nhiều quốc gia trong năm nay.