Quân sự thế giới hôm nay (4/7): Khó thành lập trung tâm bảo trì xe tăng Leopard hỏng hóc tại chiến trường Ukraine
Quân sự thế giới hôm nay (4/7) có những thông tin sau: Đức và Ba Lan gặp nhiều vướng mắc trong đàm phán thành lập trung tâm bảo trì xe tăng Leopard hỏng hóc ở chiến trường Ukraine; Liên minh châu Âu phê duyệt 920 triệu USD cho 41 dự án quốc phòng; tàu khu trục Damavand-2 của Iran sẽ được trang bị tên lửa siêu vượt âm.
* Đức muốn kết thúc đàm phán về trung tâm bảo trì xe tăng Leopard ở Ba Lan trong 10 ngày
Theo Reuters, ngày 3/7 Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ba Lan Mariusz Blaszczak tại thị trấn Zamosc (Ba Lan). Ông Boris Pistorius cho biết thời gian là một yếu tố quan trọng và ông “tin rằng nếu có thể, các cuộc đàm phán về trung tâm bảo trì xe tăng Leopard cần phải kết thúc trong vòng 10 ngày tới để chúng tôi có hướng lập kế hoạch”.
Nhận xét của ông Pistorius ám chỉ việc sẽ chọn địa điểm khác ngoài Ba Lan để thành lập trung tâm bảo trì xe tăng Leopard nếu thỏa thuận không đạt được giữa 2 bên. Hiện chính phủ và các công ty quốc phòng Đức và Ba Lan đang tham gia đàm phán về việc thành lập một trung tâm bảo trì cho xe tăng Leopard hỏng hóc ở chiến trường Ukraine trên lãnh thổ Ba Lan và đang gặp nhiều vấn đề vướng mắc.
Binh sĩ Ba Lan và Ukraine trên một chiếc xe tăng Leopard 2A4 trong khi đang huấn luyện tại Swietoszow, Poland. Ảnh: Getty Images |
Theo Tạp chí Spiegel, một trong những lý do cho việc trung tâm bảo trì xe tăng Leopard tại Ba Lan vẫn chưa được thành lập là sự bất đồng giữa Đức và Ba Lan về chi phí bảo trì. Phía Đức ước tính chi phí bảo trì cho của một chiếc xe tăng Leopard là 12 nghìn euro (khoảng 13,1 nghìn USD) trong khi phía Ba Lan yêu cầu 100 nghìn euro (109 nghìn USD). Một trở ngại thứ hai là thiếu phụ tùng thay thế. Theo phía Đức, thỏa thuận về trung tâm bảo trì này khó có khả năng đạt được với Ba Lan.
Những khó khăn và bất đồng trong đàm phán thành lập trung tâm bảo trì và sửa chữa xe tăng Leopard hư hỏng ở chiến trường Ukraine cũng khiến thỏa thuận về việc gia hạn triển khai 3 đơn vị phòng không của Đức ở Ba Lan đang bị đình trệ.
Cùng với 3 đơn vị phòng không Patriot, khoảng 300 binh sĩ Đức đã đồn trú tại Zamosc, một thị trấn cách biên giới Ukraine khoảng 50km, từ tháng 2 vừa qua với nhiệm vụ bảo vệ thị trấn phía Nam này và tuyến đường sắt quan trọng nối Ba Lan với Ukraine.
Trong tuyên bố công khai sau cuộc đàm phán ngày 3/7, ông Pistorius đã không nhắc đến yêu cầu của phía Ba Lan về việc gia hạn triển khai các hệ thống phòng khôngPatriot cho đến cuối năm nay. Sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, giữa Berlin và Warszawa đã xuất hiện bất đồng trong một số nội dung, trong đó có việc chuyển giao vũ khí cho Kiev và thỏa thuận di cư của EU.
* Liên minh châu Âu phê duyệt 920 triệu USD cho 41 dự án quốc phòng
Breaking Defense ngày 3/7 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một khoản ngân sách mới trị giá 842 triệu euro (920 triệu USD) cho 41 dự án quốc phòng bao gồm phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, xe tăng, tàu chiến và các hệ thống hải quân, lục quân, không quân, hệ thống cảnh báo sớm trên không gian và tác chiến mạng trong đó bao gồm một chương trình tác chiến điện tử quan trọng.
Trong số các dự án quốc phòng nói trên, các dự án đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm trên không, các hệ thống của hải quân và tác chiến không gian được cho là quan trọng nhất.
Mẫu phác thảo ý tưởng tàu mặt nước cỡ trung do Estonia thiết kế theo chương trình Euroguard trị giá 104 triệu USD của EU. Ảnh: Bộ Quốc phòng Estonia |
Cụ thể, những lỗ hổng trong khả năng chế áp điện tử trên không (AEA) của châu Âu sẽ được bù đắp thông qua chương trình REACT II. Sau khi được phát triển, hệ thống REACT II sẽ có khả năng gây nhiễu hộ tống, gây nhiễu sau đội hình từ xa, gây nhiễu thay thế, chỉ huy và kiểm soát tác chiến điện tử (C2) và các hoạt động trên không mạng và hoạt động điện từ khác.
Về hải quân, theo gói ngân sách mới nhất, EU sẽ cải thiện khả năng “xác định, phân loại và theo dõi mục tiêu” của các tàu mặt nước chống lại các mối đe dọa từ trên không và tên lửa chống hạm.
Về tác chiến không gian, EU thực hiện sáng kiến phát triển đa quốc gia về hệ thống cảnh báo sớm tên lửa. Hệ thống cảnh báo sớm này sẽ được vận hành trên không gian và tên là ODIN'S EYE II. ODIN'S EYE II sẽ tập trung vào các lĩnh vực như cảnh báo kịp thời, tình báo kỹ thuật, phòng thủ chống tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh và vệ tinh.
* Tàu khu trục Damavand-2 của Iran sẽ được trang bị tên lửa siêu vượt âm
Thời báo Tehran (Tehran Times) ngày 3-7 đưa tin, tàu khu trục lớp Moudge Damavand-2 hiện đang trong quá trình sản xuất sẽ được trang bị tên lửa siêu vượt âm. Tư lệnh Hải quân Iran Chuẩn đô đốc Shahram Irani nhấn mạnh, tàu khu trục Damavand-2 sẽ được trang bị các công nghệ tiên tiến cho phép tăng cường khả năng phát hiện, nhận dạng, kiểm soát mục tiêu và thực hành tác chiến.
Trong những năm gần đây, Hải quân Iran đã tự túc sản xuất cả tàu chiến mặt nước và tàu ngầm. Ảnh minh họa: Thời báo Tehran |
Damavand-2 là phiên bản nâng cấp của tàu khu trục lớp Jamaran do các chuyên gia Bộ Quốc phòng, Hải quân và các ngành công nghiệp nội địa Iran hợp tác chế tạo. Tàu được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến bao gồm hệ thống radar, hệ thống đẩy, tên lửa thế hệ mới và nhiều loại vũ khí hiện đại.
Ông Manouchehr Alipour, Phó Giám đốc Tổ chức Công nghiệp hàng hải Iran và là cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng về hàng hải, cho biết: “Phải mất 12 năm để chúng ta sản xuất tàu khu trục lớp Jamaran đầu tiên. Tàu khu trục Damavand-1 cũng phải mất 8 năm mới được xuất xưởng. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng sẽ chuyển giao tàu khu trục Damavand-2 cho Hải quân trong thời gian ngắn hơn nhiều. Phải mất 4 năm để sản xuất thân tàu Damavand đầu tiên, nhưng quá trình chế tạo Damavand-2 chỉ mất 11 tháng. Lý do giúp giảm đáng kể thời gian cần thiết để thiết kế thân tàu và đóng tàu là do chúng ta đã rất thành thạo việc thiết kế và chế tạo tàu khu trục cũng như các trang thiết bị trên tàu”.
Trong những năm gần đây, Iran đã tự túc sản xuất cả tàu chiến mặt nước và tàu ngầm, giúp hiện đại hóa lực lượng hải quân, đảm bảo an toàn cho tàu thương mại và tàu chở dầu, và tăng cường sự hiện diện của Hải quân Iran trên các tuyến đường thủy quốc tế.