Anh: Các ngân hàng lớn bị chỉ trích vì chính sách lãi suất tiết kiệm
Barclays, HSBC, Lloyds và NatWest đứng trước nhiều áp lực do không nâng lãi suất tiết kiệm theo kịp với mức tăng lãi suất cơ bản của Ngân hành Trung ương Anh, hiện đã lên đến 5%, cao nhất từ năm 2008.
Ngân hàng HSBC tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Các ngân hàng lớn tại Anh đang đối mặt với ngày càng nhiều áp lực liên quan chính sách lãi suất tiết kiệm trong bối cảnh lãi suất cơ bản tăng mạnh.
Ủy ban Chuyên trách Tài chính của Quốc hội Anh đã gửi thư tới nhóm 4 "ông lớn" ngân hàng của nước này gồm Barclays, HSBC, Lloyds và NatWest, đặt các câu hỏi liên quan vấn đề lãi suất tiếp kiệm và nguy cơ khách hàng bị lợi dụng.
Chủ tịch Ủy ban trên, Harriett Baldwin, cho rằng ở thời điểm lãi suất tăng, người dân khó khăn vì giá cả tăng thì các ngân hàng cũng phải tăng lãi suất tiết kiệm.
Thời gian qua, các ngân hàng Anh đã bị các nghị sỹ quốc hội và các nhà vận động bảo vệ người tiêu dùng gây nhiều áp lực vì không nâng lãi suất tiết kiệm theo kịp với mức tăng lãi suất cơ bản của Ngân hành Trung ương Anh, hiện đã lên đến 5%, cao nhất từ năm 2008.
Ngày 8/6, Ủy ban Chuyên trách Tài chính đã chỉ trích các ngân hàng vì để mức lãi suất tiết kiệm trong khoảng 0,7% đến1,35% trong khi lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương đã lên tới 4,5%.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cũng cho rằng các ngân hàng đã phản ứng quá chậm khi không điều chỉnh lãi suất tiết kiệm kịp với mức tăng lãi suất cơ bản, đồng thời yêu cầu sớm giải quyết vấn đề.
Bà Baldwin cũng tin rằng các ngân hàng không thực hiện đủ nghĩa vụ xã hội là khuyến khích người dân đi gửi tiền tiết kiệm. Hiện 4 ngân hàng trên chưa có phản hồi chính thức về thông tin này.
Các lãnh đạo của những ngân hàng trên sẽ ra điều trần trước ủy ban trong tháng 2/2024 về vấn đề này.
Trước đó, các ngân hàng đều khẳng định sẽ tăng lãi suất và cung cấp hỗ trợ cho các khách hàng gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay.
Ủy ban Chuyên trách Tài chính của Quốc hội Anh cũng cho biết đã viết thư gửi Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA) để làm rõ về việc liệu các ngân hàng đã có những biện pháp phản ứng phù hợp chưa và về biện pháp của cơ quan này đối với các ngân hàng. Hiện FCA cũng chưa có bình luận chính thức./.