Quân Nga bị buộc vào thế phòng thủ ở thành phố miền Đông Ukraine
Ukraine hy vọng có thể buộc các lực lượng Nga rút lui khỏi thành phố Kharkiv ở miền Đông, tương tự như việc Moscow rút lui khỏi các khu vực xung quanh thủ đô Kiev.
Các lực lượng Nga đã không đạt được bước tiến đáng kể nào ở Ukraine hôm 11/5, trong khi các lực lượng Ukraine đã tiến xa hơn về phía Đông Bắc Kharkiv, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết trong bản đánh giá chiến dịch mới nhất của mình.
"Cuộc phản công của Ukraine ở phía Bắc thành phố Kharkiv đã buộc Quân đội Nga vào thế phòng thủ và đã thành công làm giảm bớt áp lực pháo binh lên thành phố Kharkiv", ISW cho biết.
Cơ quan nghiên cứu có trụ sở ở Mỹ cho biết thêm rằng, người Nga cũng không đạt được bước tiến nào trong các khu vực Severodonetsk, Rubizhne và Lysychansk ở vùng Luhansk.
ISW cho biết, các lực lượng của Moscow có thể đã bắt đầu một cuộc tiến công mới tới Bakhmut ở vùng Donetsk sau khi giành được quyền kiểm soát thị trấn Popasna ở vùng Luhansk và “đang cố gắng củng cố các vị trí của họ ở phía Tây vùng Kherson để tiến vào vùng Mykolaiv”.
“Cục diện đã thay đổi một chút”
Phóng viên thường trú của DW tại Ukraine, Amien Essif, nhận định Ukraine đang hy vọng có thể buộc các lực lượng Nga rút lui khỏi Kharkiv - thành phố lớn thứ hai ở đất nước, tương tự như việc Moscow rút lui khỏi các khu vực xung quanh thủ đô Kiev hồi tháng 4.
"Các lực lượng Nga đã hoàn toàn bao vây Kiev, và sau đó bị đánh bật khỏi từng khu vực cho đến khi rút lui toàn bộ", ông Essif cho biết.
Ông Essif cho rằng việc đánh bật được các lực lượng Nga ra khỏi các khu vực xung quanh Kharkiv sẽ rất quan trọng đối với Ukraine vì thành phố này nằm ở miền Đông của đất nước, nhưng nó nằm ngoài các vùng lãnh thổ vốn do các lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát.
"Tổng thống Ukraine Zelensky đã đề nghị với Nga về một hình thức ngừng bắn nếu họ đồng ý rút về các vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát trước cuộc xung đột bùng phát hôm 24/2", ông Essif cho biết, đề cập đến các vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát ở Luhansk và Donetsk (Donbass).
"Đó sẽ là các điều khoản cho một hiệp định hòa bình".
Theo ông Essif, người Ukraine cho rằng họ đang nhận được sự hỗ trợ cần thiết để giành chiến thắng trước Nga.
"Tôi nghĩ họ tin rằng cục diện đã thay đổi một chút", ông nhận định, đồng thời cho biết thêm rằng đã căng thẳng ngoại giao giữa Ukraine và Đức đã có dấu hiệu hạ nhiệt, biểu hiện thông qua chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tới Ukraine.
"Đức đã và đang định hình chính sách của châu Âu về Ukraine", ông Essif nhận định. "Người Ukraine thấy rằng nhập khẩu quân sự giờ đây đang có lợi cho họ".
Khi được hỏi liệu người Ukraine có tin rằng Kiev có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột này hay không, ông Essif cho biết, "Ở miền Tây Ukraine có một niềm tin bất diệt rằng Ukraine sẽ chiến thắng chứ không chỉ ngừng bắn với Nga" và có thể giành lại cả các vùng lãnh thổ đã bị mất kể từ năm 2014.
"Tôi tin rằng cảm giác có lẽ sẽ khác đối với những người đang sống trong vùng có xung đột. Nhiều khả năng họ ủng hộ một lệnh ngừng bắn hơn", ông Essif nói, đề cập đến những người sống ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, The Guardian dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nhận định, dường như các lực lượng của cả phía Nga và Ukraine đều đang lâm vào một tình trạng bế tắc mệt mỏi và chết chóc ở miền Đông Ukraine. Do đó, vị quan chức này cảnh báo, không bên nào có thể giành chiến thắng trong hoàn cảnh hiện tại.
Anh: Giao tranh tiếp diễn trên Đảo Rắn ở Biển Đen
Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một cập nhật tình báo trên Twitter hôm 11/5 rằng giao tranh vẫn tiếp diễn giữa các lực lượng Nga và Ukraine trên Đảo Rắn (Đảo Zmiinyi), nằm ngoài khơi Odessa ở Tây Nam Ukraine.
“Nếu Nga củng cố vị trí của mình trên Đảo Zmiinyi bằng hệ thống phòng không chiến lược và tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển, họ có thể thống trị vùng biển phía Tây Bắc Biển Đen”, Bộ này nhận định.
Theo bản cập nhật tình báo, Ukraine đã tấn công hệ thống phòng không của Nga và các tàu tiếp tế bằng máy bay không người lái Bayraktar.
"Các tàu tiếp tế của Nga chỉ được bảo vệ ở mức tối thiểu ở phía Tây Biển Đen kể từ khi Hải quân Nga rút lui về Crimea theo sau vụ chìm soái hạm Moskva ", Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Đề xuất đổi tù nhân Nga lấy binh sĩ Ukraine mắc kẹt ở Azovstal
Ukraine đã đề xuất với Nga về việc trao đổi những binh sĩ bị thương nặng trong nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, miền Nam Ukraine, với các tù nhân Nga bị bắt trong cuộc xung đột vừa qua, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết hôm 11/5.
"Chưa có thỏa thuận nào đạt thành. Các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục", bà cho biết trong một bài đăng trực tuyến.
Hơn 560 binh sĩ Vệ binh Quốc gia Ukraine đã thiệt mạng
Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine Oleksiy Nadtochy hôm 11/5 đã lên tiếng xác nhận thiệt hại về người của lực lượng này kể từ khi xung đột với Nga bùng phát hồi cuối tháng 2.
Theo đó, 561 binh sĩ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đã thiệt mạng và 1.697 binh sĩ khác của lực lượng này đã bị thương kể từ khi giao tranh với Nga nổ ra.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine (NSU), được thành lập từ tháng 3/2014, trực thuộc Bộ Nội Vụ Ukraine, có khoảng 60.000 binh sĩ.
Lực lượng này cũng bao gồm các binh sĩ thuộc Trung đoàn Azov hiện đang ẩn náu trong khu liên hợp cán thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, miền Nam đất nước.
Đã có thương vong trong cuộc tấn công ở khu vực biên giới Nga-Ukraine
Một người chết và 3 người khác bị thương ở làng Solokhi thuộc khu vực Tây Nam nước Nga theo sau một cuộc tấn công được cho là do Ukraine thực hiện.
Thông tin trên do Thống đốc vùng Belgorod, Vyacheslav Gladkov, công bố hôm 11/5.
Ông Gladkov cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram: “Tính đến hiện tại, một người đã thiệt mạng trong xe cấp cứu, và 3 người khác bị thương”.
Vị Thống đốc này cho biết đây là "tình huống khó khăn nhất" trong khu vực của ông kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2.
Ông Gladkov cáo buộc Ukraine nhắm mục tiêu vào làng Solokhi. Ngôi làng này nằm cách biên giới với Ukraine chỉ khoảng 10 km và nằm về phía Bắc thành phố Kharkiv của Ukraine - nơi giao tranh đang diễn ra ác liệt trong những ngày qua.
Các nhà chức trách ở các khu vực của Nga giáp biên giới với Ukraine đã nhiều lần cáo buộc các lực lượng Ukraine tiến hành các cuộc tấn công.
Hồi tháng 4, ông Gladkov cáo buộc các máy bay trực thăng của Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công vào một cơ sở lưu trữ nhiên liệu ở Belgorod.
Lầu Năm Góc: Ông Putin không muốn đối đầu với NATO
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 11/5 cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không muốn thách thức liên minh NATO về mặt quân sự, khi Moscow đang phải vật lộn để đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự mà họ phát động ở Ukraine.
“Ông Putin có tính toán của riêng mình, NATO cũng có quan điểm riêng của họ, nhưng theo quan điểm của tôi, Nga không muốn thách thức NATO", người đứng đầu Lầu Năm Góc nhận định trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Thứ trưởng ngoại giao Nga gặp Đại sứ Mỹ tại Moscow
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và Đại sứ Mỹ John Sullivan, đã gặp nhau tại thủ đô Moscow hôm 11/5.
Đại sứ quán Mỹ cho biết, "Mỹ vẫn cam kết mở các kênh liên lạc với Chính phủ Nga, vừa để thúc đẩy lợi ích của Mỹ, vừa để làm giảm nguy cơ tính toán sai lầm của cả 2 bên".
Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn về cuộc gặp nhưng không có thông tin chi tiết.
Mối quan hệ giữa Moscow và Washington đã chạm mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh theo sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Nga trừng phạt các công ty năng lượng phương Tây
Chính phủ Nga hôm 11/5 đã ban hành một sắc lệnh về áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hơn 30 công ty năng lượng của EU, Mỹ và Singapore nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga theo sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, AFP đưa tin.
AFP cho biết, danh sách trừng phạt của Chính phủ Nga gồm 31 công ty, hầu hết là các chi nhánh của Gazprom Germania, công ty con của tập đoàn năng lượng quốc doanh Nga Gazprom ở Đức.
Hồi tháng 4, Đức cho biết họ đang nắm quyền kiểm soát công ty con của Gazprom tại nước này.
Các biện pháp trừng phạt cũng ảnh hưởng đến EuRoPol GAZ SA của Ba Lan, đơn vị sở hữu đoạn đường ống dẫn khí đốt qua lãnh thổ Ba Lan thuộc tuyến đường ống Yamal-Châu Âu.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm giao dịch và cấm tàu của các công ty bị trừng phạt cập các cảng của Nga.
Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức hôm 11/5 cho biết, Chính phủ Đức đang "thực hiện các thỏa thuận cần thiết và chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau".
“Nhóm xử lý khủng hoảng khí đốt đang theo dõi tình hình chặt chẽ và liên tục”, Bộ này cho biết thêm. “Hiện tại, an ninh nguồn cung đang được đảm bảo”.
Với quy mô và tốc độ chưa từng có tiền lệ, phương Tây đang áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhắm vào Moscow, bao gồm từ việc đóng băng tài sản cho đến các lệnh cấm xuất khẩu sang Nga đối với các sản phẩm chiến lược như chất bán dẫn, và các biện pháp trừng phạt tài chính.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, DW, NDTV, France24)