Peru có nữ Tổng thống đầu tiên trong tình huống “đặc biệt”
Đất nước Nam Mỹ đang trong cuộc khủng hoảng chính trị khi Tổng thống đương nhiệm bị phế truất và bắt giữ.
Tổng thống Peru Pedro Castillo hôm 7/12 đã bị quốc hội nước này phế truất và bắt giữ sau khi ông này tìm cách giải tán cơ quan lập pháp và đơn phương nắm quyền kiểm soát chính phủ, gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng ở đất nước Nam Mỹ.
Phó Tổng thống Dina Boluarte được chỉ định thay thế ông Castillo và trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử của nền cộng hòa ở đất nước Nam Mỹ này.
Bà Boluarte, một luật sư 60 tuổi, kêu gọi “đình chiến chính trị” và thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia. “Điều tôi yêu cầu là một không gian, một thời gian để giải cứu đất nước”, bà nói.
Thông thạo tiếng Tây Ban Nha và tiếng Quechua, bà Boluarte được bầu làm phó Tổng thống trong đợt bầu cử đã đưa ông Castillo của khối trung tả lên nắm quyền đất nước vào ngày 28/7/2021. Trong thời gian nắm quyền ngắn ngủi 16 tháng của ông Castillo, bà Boluarte còn đảm nhiệm chức Bộ trưởng Phát triển và Hòa nhập xã hội.
Tòa án tối cao của Peru, cùng với các cơ quan giám sát chính phủ, cho biết Tổng thống đã cố gắng đảo chính, mặc dù một chuyên gia đã chỉ ra với Associated Press rằng về mặt kỹ thuật, ông Castillo đang làm việc trong phạm vi quyền lực của mình.
Các nhà lập pháp Peru đã bỏ phiếu để phế truất ông Castillo, với 101 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 10 phiếu trắng.
Không lâu trước cuộc bỏ phiếu luận tội, ông Castillo thông báo rằng ông đang thành lập một chính phủ khẩn cấp mới và kêu gọi soạn thảo hiến pháp mới. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông tuyên bố sẽ lãnh đạo đất nước bằng sắc lệnh trong thời gian đó và ra lệnh giới nghiêm hàng đêm bắt đầu từ tối hôm 7/12.
Ông cũng tuyên bố sẽ thực hiện những thay đổi trong lãnh đạo ngành tư pháp, cảnh sát và tòa án hiến pháp. Người đứng đầu quân đội Peru sau đó đã từ chức cùng với 4 Bộ trưởng, bao gồm cả những người phụ trách các vấn đề đối ngoại và kinh tế.
“Chúng tôi lên án hành vi vi phạm trật tự hiến pháp”, các công tố viên liên bang cho biết trong một tuyên bố. “Hiến pháp chính trị của Peru tôn trọng sự phân chia quyền lực và xác định rằng Peru là một nước Cộng hòa dân chủ và có chủ quyền... Không cơ quan nào có thể tự đặt mình lên trên Hiến pháp và phải tuân thủ các nhiệm vụ của hiến pháp”.
Sau nhiều năm dân chủ, Peru đang ở trong tình trạng sụp đổ hiến pháp “không thể gọi là gì khác ngoài một cuộc đảo chính”, tuyên bố cho biết.
Kể từ năm 2016, Peru chìm trong các cuộc khủng hoảng chính trị, với các quốc hội và tổng Thống lần lượt tìm cách loại bỏ lẫn nhau.
Tổng thống Martín Vizcarra (2018-2020) giải tán Quốc hội vào năm 2019 và ra lệnh tổ chức một cuộc bầu cử mới. Cơ quan lập pháp mới được bầu lúc đó đã phế truất ông Vizcarra vào năm sau.
Sau đó là Tổng thống Manuel Merino, người có nhiệm kỳ kéo dài chưa đầy 1 tuần. Người kế nhiệm ông Merino là Tổng thống Francisco Sagasti, trụ được 9 tháng trước khi ông Castillo tiếp quản.
Ông Castillo hôm 7/12 đã trở thành cựu Tổng thống thứ hai hiện đang bị giam giữ ở đất nước Nam Mỹ này. Cựu Tổng thống Peru Alberto Fujimori đang thụ án 25 năm tù vì tội giết người và tham nhũng trong thời gian ông cầm quyền 1990-2000.