Những con số kỳ lạ về lịch sử các cuộc suy thoái kinh tế Mỹ
Suy thoái vì đại dịch Covid-19 là cuộc suy thoái ngắn nhất trong lịch sử kinh tế Mỹ. Kể từ năm 1857 đến nay, Mỹ đã có đến 34 cuộc suy thoái chính thức được công nhận.
Trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất chống lạm phát cao nhất 40 năm thì các nhà kinh tế lại đang lo lắng về những dấu hiệu giảm tốc, đồng thời đặt câu hỏi liệu Mỹ đã suy thoái hay chưa.
Số liệu của Bộ thương mại Mỹ cho thấy GDP của nước này đã giảm 0,9% trong quý II/2022, tương đương mức suy giảm 2 quý liên tiếp. Đây là tiêu chuẩn để định nghĩa suy thoái kỹ thuật ở nhiều nền kinh tế, thế nhưng Mỹ lại không áp dụng chúng và Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER), cơ quan có thẩm quyền tuyên bố suy thoái thì vẫn chưa lên tiếng.
Thay vì chỉ dựa vào GDP, NBER thường lựa chọn một số yếu tố như thu nhập cá nhân, thị trường lao động, doanh thu bán lẻ hay sản lượng công nghiệp để nhận định về tình hình kinh tế Mỹ. Bởi vậy thông thường cơ quan này chỉ chính thức xác nhận nền kinh tế đã rơi vào suy thoái hay chưa sau khi mọi chuyện đã rõ ràng được vài tháng.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1978, NBER đã trải qua 6 cuộc suy thoái kinh tế Mỹ và cơ quan này mất khoảng 4 tháng đến 1 năm để xác nhận.
Tương tự, việc thẩm định xem nền kinh tế đã thoát khỏi suy thoái hay chưa cũng tốn nhiều thời gian của NBER khi cơ quan này phải chờ đợi số liệu chắc chắn.
34 cuộc suy thoái
Kể từ năm 1857, Mỹ đã có 34 cuộc suy thoái kinh tế chính thức, kèo dài từ 2 tháng cho đến hơn 5 năm.
Tuy nhiên nhờ những chính sách kinh tế hiệu quả cũng như nghiên cứu chuyên sâu của chuyên gia, kinh tế Mỹ ngày càng ít suy thoái trong thời gian vài thập niên trở lại đây. Tính từ đầu thế kỷ này, Mỹ mới trải qua 3 cuộc suy thoái, thậm chí đại dịch Covid-19 năm 2020 cũng chỉ là cuộc suy thoái ngắn nhất trong lịch sử nước này với thời gian 2 tháng.
Trong năm vừa qua, tăng trưởng thu nhập cá nhân tại Mỹ đã giảm tốc trong khi các ngành sản xuất gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát cao. Đây là dấu hiệu báo trước chung của 3 cuộc suy thoái gần đây nhất trước khi nền kinh tế bộc lộ tiêu cực rõ ràng.
Dẫu vậy, việc Mỹ đã suy thoái hay chưa còn không rõ bởi tăng trưởng ở một số ngành như công nghiệp vẫn khá mạnh. Số lao động có việc làm cũng tăng trưởng nhanh hơn trước dù chưa lấy lại được mức như thời trước đại dịch.
Vào tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết ông không tin rằng nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái. Chủ tịch Powell viện dẫn con số 2,7 triệu người lao động được tuyển dụng trong nửa đầu năm nay để cho thấy kinh tế Mỹ không yếu như mọi người lo lắng.
*Nguồn: WSJ