Nhiều lãnh đạo tài chính ngân hàng Trung Quốc bị bắt
Hơn 30 quản lý cơ quan nhà nước, lãnh đạo ngân hàng và giám đốc tài chính cấp cao của Trung Quốc bị bắt từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh cơ quan chống tham nhũng tiếp tục nhắm vào ngành này.
Giới phân tích cho rằng sẽ có thêm nhiều người đứng đầu bị bắt, khi Bắc Kinh quyết tâm xoá bỏ mọi rủi ro liên quan đến tham nhũng tài chính và duy trì ổn định. Họ cho biết các cuộc điều tra tham nhũng đang diễn ra, sau khi nhiều quan chức bị cáo buộc thông đồng với chủ ngân hàng và giám đốc điều hành để phê duyệt khoản vay, đổi lấy tiền lại quả và đặc quyền khác.
Người gần đây nhất bị điều tra là Lou Wenlong, 66 tuổi, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) cho biết trong thông cáo đưa ra trong tuần này rằng ông Lou đang bị điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật”, cụm từ mang hàm ý tham nhũng . Ông Lou phụ trách mảng xử lý nợ xấu của ngân hàng cho đến khi nghỉ hưu năm 2017.
Theo thống kê của báo South China Morning Post , 17 trong số những người “ngã ngựa” trong 5 tháng qua là quản lý cấp cao của các ngân hàng quốc doanh hoặc chi nhánh khu vực. Trong số này có 4 quan chức đã nghỉ hưu của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB): cựu Phó Chủ tịch Li Jiping, cựu Giám đốc chi nhánh tỉnh Sơn Đông và Cát Lâm Yu Zeshui và Zhang Chi, và cựu Phó Chủ tịch chi nhánh Thanh Hải Wang Zhun.
Là 1 trong 3 ngân hàng quốc doanh lớn nhất đất nước, CDB cấp vốn cho các dự án phát triển quy mô lớn của chính phủ. Ngân hàng này dính vào một số vụ bê bối tham nhũng trong nhiều năm gần đây. Trong vụ án tai tiếng nhất, cựu Chủ tịch Hồ Hoài Bang bị kết án tù chung thân năm 2021 vì nhận hối lộ 85,5 triệu nhân dân tệ (11,8 triệu USD).
Trong cuộc điều tra mới nhất, 11 quản lý cấp cao của Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc bị điều tra. Ba ngân hàng này cùng CDB tạo thành “Big Four” của ngành ngân hàng Trung Quốc.
Các công ty bảo hiểm nhà nước cũng trở thành mục tiêu. Liu Anlin, cựu Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc; Sun Jian, nguyên Phó Tổng giám đốc chi nhánh tỉnh Quảng Tây của Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc; và Du Jintao, cựu Tổng Giám đốc chi nhánh Thâm Quyến của Bảo hiểm nhân thọ Taiping Trung Quốc đang bị điều tra.
Xie Maosong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, cho biết những người có quyền phê duyệt các khoản vay thương mại lớn dễ vướng vào hối lộ.
“Chúng ta có thể thấy trong các vụ mà Ủy ban Kiểm tra trước đây thực hiện, các doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng bất động sản, hối lộ chủ ngân hàng để có khoản vay cho dự án của họ. Khi dự án trở nên èo uột, các khoản vay trở thành nợ khó đòi mà ngân hàng phải gánh. Nhưng các khoản vay thực chất là tiền tiết kiệm của người dân, nên tổn thất do tham nhũng tài chính thực chất là ăn trộm tiền của dân”, Xie nói.
Các vụ việc như vậy chiếm khoảng 10% số cuộc điều tra mà CCDI thực hiện trong lĩnh vực tài chính, nhưng tác động của chúng có thể rất sâu rộng. Giới phân tích cho biết, một số lãnh đạo tài chính bị bắt là nhân vật nổi tiếng, vì thế sự sụp đổ của họ gây chấn động cho toàn ngành.
Một ví dụ là Ren Chunsheng, người phụ trách quá trình chuẩn bị để thành lập Trung tâm hòa giải khiếu nại của Cơ quan quản lý tài chính quốc gia (NFRA). Thông báo của CCDI hôm 7/5 cho biết, Ren bị bắt giam vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật”.
Ren, 55 tuổi, là nhân vật hàng đầu trong ngành bảo hiểm Trung Quốc sau hàng chục năm làm việc tại Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc trước đây. Ren được bổ nhiệm làm Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư Bảo hiểm Trung Quốc năm 2019, sau đó làm Chủ tịch Sở Giao dịch Bảo hiểm Thượng Hải.
Chỉ 2 tuần trước khi Ren bị bắt giam, CCDI thông báo Yao Qian, Giám đốc bộ phận giám sát công nghệ tại Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC), cũng đã bị bắt để điều tra tham nhũng.
Sự kiện này trở thành quả bom tấn đối với thế giới tiền điện tử của Trung Quốc, bởi vì ông từng được gọi là “người tiền ảo” của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).
Yao từng là giám đốc đầu tiên của viện nghiên cứu tiền điện tử của PBOC, nơi nghiên cứu sự phát triển của đồng nhân dân tệ điện tử.
Một quan chức ở Bắc Kinh biết, Yao bị bắt sau phiên tòa xét xử cấp trên cũ của ông, cựu phó thống đốc PBOC Fan Yifei, người bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 386 triệu nhân dân tệ.
Fan, 60 tuổi, là quan chức cấp cao nhất của ngân hàng trung ương bị xét xử. Ông đã thừa nhận mọi cáo buộc và hiện đang chờ tuyên án.
Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo CCDI tập trung vào lĩnh vực tài chính, cảnh báo “các vấn đề nổi cộm” như “rối loạn và tham nhũng tài chính tái diễn cũng như năng lực quản lý và giám sát tài chính yếu kém”.
Deng Yuwen, nguyên Phó Tổng biên tập Study Times , tờ báo chính thức của Trường Đảng Trung ương, cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục chiến dịch khi các vụ tham nhũng tài chính thường đan xen.
“Nhìn bề ngoài, bạn có thể không bao giờ biết ai đang câu kết với ai. Nhưng khi phá được một vụ, có thể bạn sẽ tìm được thêm vài vụ nữa, giống như thu hoạch mùa màng vậy”, ông Deng nói.