Một ngôi làng ở Đông Nam Á từ vùng hoang vu bỗng trở thành công trường AI lớn nhất thế giới, nhận hàng tỷ USD đầu tư của Microsoft, TikTok
Chỉ trong 3 năm, khu vực toàn cây cối này bất ngờ trở thành địa điểm nóng nhất thế giới về trung tâm dữ liệu cho AI.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) nhận định không nơi nào trên thế giới có thể thay đổi nhờ xu thế trí thông minh nhân tạo (AI) nhanh như tại tiểu bang Johor của Malaysia.
Chỉ 3 năm trước đây, khu vực này còn là vùng trũng công nghệ khi chỉ là vùng hoang vắng với các cánh đồng trồng cọ. Thế nhưng hiện nay hàng loạt ông lớn đổ về đây xây dựng những trung tâm dữ liệu phục vụ cho công nghệ AI.
Công ty mẹ ByteDance của TikTok đã chi đến 350 triệu USD để xây trung tâm dữ liệu AI tại Johor, trong khi Microsoft đổ 95 triệu USD để mua gần 50ha đất xây cơ sở tại đây.
Hãng Blackstone cũng đổ 16 tỷ USD để mua lại AirTruck, một nhà vận hành trung tâm dữ liệu tại Châu Á có cơ sở tại Johor.
Tuần trước, Oracle đã tuyên bố đầu tư 6,5 tỷ USD cho tiểu bang này để xây trung tâm dữ liệu.
"Thoạt nhìn thì Johor có vẻ không có tiềm năng nhưng nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy khu vực này cực kỳ thích hợp", giám đốc Peng Wei Tan của Blackstone cho biết.
Vậy lý do khu vực hoang vu tại Malaysia được các doanh nghiệp công nghệ trên thế giới lựa chọn là gì?
Điện năng
Theo WSJ, để đào tạo được AI thì các tập đoàn công nghệ sẽ phải xây dựng những trung tâm dữ liệu khổng lồ với hàng nghìn chip máy tính, đòi hỏi lượng lớn điện năng và nước làm mát.
Do đó những khu vực như North Virginia-Mỹ trở thành trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới vì có đầy đủ điện, nước và đất đai.
Thế nhưng nguồn cung cho các dự án tại đây dần cạn kiệt và các tập đoàn công nghệ buộc phải tìm kiếm cơ sở mới. Vậy là cái tên Johor xuất hiện.
Tiểu bang của Malaysia này có nhiều đất đai, đầy đủ nguồn nước và đặc biệt là có lợi thế về điện năng.
Quốc gia Đông Nam Á này cũng có quan hệ hữu hảo với cả Mỹ và Trung Quốc, giúp giảm các rủi ro địa chính trị.
Ngoài ra, Johor giáp ranh với Singapore, nơi có những giao lộ cáp internet dưới biển dày đặc nhất thế giới. Đây chẳng khác nào những "xa lộ" cho các công ty công nghệ truyền tải hàng núi dữ liệu đi khắp thế giới.
Giám đốc điều hành Rangu Salgame của Princeton Digital Group cho biết họ từng xây dựng các trung tâm dữ liệu tại Singapore vì tính kết nối của quốc gia này nhưng từ năm 2019, chính phủ nơi đây đã hạn chế các dự án này vì thiếu điện.
Vậy là Johor bất ngờ trở thành lựa chọn tối ưu cho các hãng công nghệ tìm kiếm địa điểm xây trung tâm dữ liệu.
Theo Salgame, mặc dù những ông lớn như Amazon, Google, Meta có trung tâm dữ liệu của riêng họ nhưng vẫn hợp tác với bên thứ 3 cho 30% nhu cầu ở Mỹ và đến 90% nhu cầu của các ông lớn này trên toàn thế giới.
Nói đơn giản hơn, việc xây dựng các trung tâm dữ liệu quá tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian, khiến ngay cả các Big Tech cũng phải phụ thuộc vào bên thứ 3 như Princeton Digital.
Những doanh nghiệp bên thứ 3 này sẽ chi 1-2 tỷ USD xây dựng các trung tâm dữ liệu và cho thuê. Hầu hết các trung tâm ở Johor đều do bên thứ 3 điều hành thay vì các ông lớn công nghệ.
Giám đốc Salgame cho biết nhu cầu của khách hàng rất lớn và tiểu bang Malaysia sẽ trở thành trung tâm dữ liệu lớn thứ 2 thế giới chỉ trong 5 năm tới.
"Tôi chưa từng thấy nơi nào trên thế giới phát triển với tốc độ như vậy", ông Salgame nói.
Báo cáo của DC Byte cho thấy North Virginia đang cung ứng 4,2 GGW điện năng và đang xây dựng thêm 11,4 triệu GGW nữa nhằm cung ứng cho các trung tâm dữ liệu.
Trong khi đó ở Johor, lượng điện từ 0,1 GGW cách đây 3 năm đã tăng lên 0,34 GGW và hiện thêm 2,6 GGW đang được xây dựng thêm.
*Nguồn: WSJ