Lý do nhiều siêu thị Hàn Quốc giảm giá thịt gà dù lạm phát cao
Trong bối cảnh lạm phát, mọi thứ đều tăng giá thì tại Hàn Quốc, các chuỗi siêu thị lại lao vào cuộc chiến... hạ giá thịt gà. Vậy chuyện gì đang diễn ra?
Thông thường, các siêu thị sẽ giữ giá, hoặc thậm chí giảm giá một số sản phẩm như thịt gà nướng để thu hút thêm khách hàng. Với việc mọi người vào siêu thị thường sẽ không chỉ để mua thịt gà mà còn các mặt hàng khác nữa nên với số lượng người mua tăng, doanh nghiệp có thể bù lãi bằng việc bán thêm được các sản phẩm khác.
Đây là lý do chính khiến các siêu thị thường bày thịt gà nướng ở cuối gian hàng, hoặc buộc người mua dạo qua nhiều kệ sản phẩm trước khi đến được khu bán thịt.
Tất nhiên không phải ai cũng mua được khi số lượng hàng có hạn, nhưng sức hút thịt gà giá rẻ trong mùa lạm phát vẫn khiến nhiều người Hàn Quốc bị thu hút và chấp nhận xếp hàng.
Hãng tin Bloomberg nhận định Homeoplus đang chơi một bài toán liều lĩnh khi chấp nhận thua lỗ giá thịt gà để gia tăng thị phần cũng như doanh số các mặt hàng khác. Nếu thành công, chuỗi siêu thị với 140 chi nhánh này sẽ tăng trưởng mạnh bất chấp lạm phát và người dùng hạn chế chi tiêu.
Xin được nhắc thịt gà là một ngành kinh doanh lớn ở Hàn Quốc khi các quán gà rán với bia cực kỳ phổ biến. Đây cũng được coi là món ăn bình dân được mọi khách hàng ưa chuộng và cũng là mảng kinh doanh phổ biến của tầng lớp trung lưu và hàng chục nghìn quán ăn chuyên về gà. Hiện thịt gà là món ăn số 1 trên các ứng dụng giao đồ Hàn Quốc, đánh bại cả Pizza, Hamburger hay đồ ăn Trung Quốc.
"Việc Homeplus giảm giá đã gây áp lực mạnh lên những siêu thị khác, ép họ phải giảm theo hoặc ít nhất là không tăng giá nữa", chuyên gia kinh tế Lloyd Chan của Oxford Economics nhận định.
Ra đòn
Lạm phát tại Hàn Quốc đã ảnh hưởng đến mọi ngành, bao gồm cả thịt gà. Chuỗi nhà hàng Golden Olive Chicken, một trong những thương hiệu lớn nhất tại Hàn Quốc đã phải tăng giá một suất ăn từ 16.000 Won lên 24.000 Won. Trong khi đó giá giao thịt gà của các ứng dụng cũng nhích lên.
Trước tình hình đó, Homeplus đã gây bất ngờ cho toàn thị trường khi vào cuối tháng 6/2022, chuỗi siêu thị này phát động chương trình "DangDang Chicken" khi giảm giá tới 2/3 cho thịt gà nướng. Hệ quả là hàng dài người xếp hàng đến đây để mua những khay gà nướng chỉ với 6.990 Won.
Không chịu kém cạnh, hàng loạt siêu thị đối thủ cũng đua nhau giảm giá giữ chân khách hàng. Tập đoàn Lotte đã giảm 50% giá thịt gà nướng trong khi chuỗi bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc là Emart cũng hạ giá xuống còn 5.980 Won. Phía Emart cho biết doanh số thịt gà nướng trong tháng 7/2022 đã tăng tới 26% so với cùng kỳ năm trước.
CEO Jayhoon Lee của Homeplus vốn là cựu điều hành của KFC Korea nên ông hiểu rất rõ việc cam kết giữ giá thịt gà nướng với người dân Hàn Quốc có ý nghĩa như thế nào. Tuy nhiên, việc đảm bảo được cam kết này là không dễ dàng khi một siêu thị chỉ có thể nướng khoảng vài chục con gà mỗi ngày.
Bất chấp điều đó, Homeplus vẫn cho thấy quyết tâm thu hút khách hàng với giá gà nướng rẻ. Phía siêu thị cho biết họ chấp nhận hạ thấp biên lợi nhuận để tăng doanh số và thị phần.
"Chúng tôi có đầu vào thấp bởi mua được với số lượng lớn", phía Homeplus tuyên bố.
Ảnh hưởng lớn
Thịt gà là một trong những mặt hàng chủ chốt khi đo lường lạm phát tại Hàn Quốc trong số 480 yếu tố được chính phủ nước này theo dõi. Chúng đứng thứ 29 trong bảng xếp hạng tầm quan trọng, trong khi thịt lợn xếp thứ 16.
Trong bối cảnh lạm phát lên tới 6,3%, mức cao nhất 23 năm và Hàn Quốc phải nâng lãi suất liên tiếp để hạ nhiệt thị trường, thế rồi chính phủ phải nâng mức lương tối thiểu thêm 5% để giúp người nghèo sống sót thì việc giá gà biến động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân.
Theo Bloomberg, tổng doanh số hàng tháng của các quán chuyên gà rán tại Hàn Quốc lên đến 610 tỷ Won và doanh thu hàng năm lên đến 7,3 nghìn tỷ Won. Trong khi đó, Homeplus đã bán được đến 460.000 khay gà rán kể từ khi chiến dịch "Dangdang Chicken" được tung ra từ tháng 6/2022.
Chiến lược của Homeplus đã gây ra tranh cãi cực kỳ lớn trên mạng xã hội Hàn Quốc. Một mặt, người dân hy vọng động thái này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp giảm giá những mặt hàng khác để người tiêu dùng dễ thở hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Tuy nhiên, nhiều quán chuyên gà rán lại phản đối điều này, tương tự như những gì đã diễn ra vào năm 2010. Tại thời điểm đó, chuỗi siêu thị của Lotte đã hạ giá mạnh gà rán và gặp phải sự phản đối kịch liệt từ các quán chuyên bán gà. Họ cho rằng động thái này là phá giá thị trường, khiến hàng chục nghìn những quán gà nhỏ lẻ bị đóng cửa.
Áp lực này đã buộc Lotte phải dừng chương trình hạ giá gà rán ngay lập tức.
Cô Kim Nayeon, người đã đợi 40 phút tại siêu thị của Homplus tại Incheon để mua gà rán cho biết mình vẫn nhớ vụ Lotte năm 2010, thế nhưng tình hình hiện nay đã khác.
"Dù món gà rán của siêu thị không ngon bằng các quán chuyên khác nhưng giá rẻ hơn nên tôi vẫn sẽ mua chúng", cô Kim thừa nhận.
*Nguồn: Bloomberg