EU hỗ trợ 1,3 tỷ USD giúp Nigeria đa dạng hóa nền kinh tế
Nigeria là quốc gia đông dân nhất châu Phi, có nguồn thu phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu mỏ trong khi nhập khẩu các lương thực quan trọng từ vùng Biển Đen.
Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã cho biết sẽ cùng các tổ chức tài chính của khối cung cấp cho Nigeria 1,29 tỷ Euro (1,3 tỷ USD). Khoản tiền nhằm mục đích hỗ trợ quốc gia đông dân nhất châu Phi này đa dạng hóa nền kinh tế khỏi lĩnh vực dầu mỏ.
Nigeria đang nỗ lực mở rộng nền kinh tế và xuất khẩu ngoài lĩnh vực dầu mỏ, vốn chiếm khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 90% thu nhập ngoại tệ của nước này.
Nguồn vốn mới của EU sẽ được cung cấp cho Nigeria cho đến năm 2027, theo sáng kiến "Thỏa thuận xanh" của khối bao gồm tập trung tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo và thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.
Cùng với đó, khoản cho vay có chủ quyền Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) sẽ hỗ trợ lĩnh vực nông sản thực phẩm tiếp cận thị trường, bằng cách cấp vốn cho các tuyến đường nông thôn, cũng như các nỗ lực thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
EU cho biết khoảng 57 dự án sẽ được nhận tài trợ, bao gồm dự án liên quan đến các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, ngăn chặn nạn phá rừng và sa mạc hóa, sáng kiến biến chất thải thành năng lượng ở bang Cross River phía Nam của Nigeria.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra từ hồi tháng 2 năm nay là một phần nguyên nhân dẫn tới áp lực tăng giá đối với Nigeria. Quốc gia châu Phi này có nguồn thu phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu mỏ trong khi nhập khẩu các lương thực thực phẩm quan trọng như lúa mì từ khu vực Biển Đen.
Lạm phát ở Nigeria hiện duy trì một xu hướng phi mã. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Nigeria, lạm phát nước này trong tháng 5 đã tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 16,82% được ghi nhận trong tháng 4.
Ông Godwin Emefiele, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN), nhận định việc lạm phát gia tăng liên tục có thể “làm suy yếu” sự phục hồi kinh tế mong manh ở nước này “do những bất ổn liên quan đến chi phí tồn kho và các yếu tố đầu vào khác của sản xuất”.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong một báo cáo gần đây: “Lạm phát của Nigeria, vốn là một trong những mức cao nhất trên thế giới trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine, có khả năng sẽ tăng thêm do giá nhiên liệu và lương thực toàn cầu chịu ảnh hưởng từ xung đột”.
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Aljazeera)