Chiến sự Nga - Ukraine 7/6: Nga tuyên bố Ukraine tổn thất lớn, tố Kiev âm mưu tấn công bằng “bom bẩn”
Một số thông tin tình hình chiến sự Nga - Ukraine: Nga tuyên bố Ukraine tổn thất lớn, tố Kiev âm mưu tấn công bằng “bom bẩn”.
Thông tin chiến sự
Nga tuyên bố Ukraine tổn thất lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, lực lượng nước này đã ngăn chặn 3 ngày đầu tiên trong đợt phản công của Ukraine và khiến đối phương tổn thất nặng, dù Kyiv bác bỏ.
Ông Shoigu đưa ra phát biểu trong một thông cáo chi tiết một cách bất thường khi đề cập tổn thất của cả 2 bên.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, trong 3 ngày qua, Ukraine đã tổn thất 3.715 người, 52 xe tăng và 207 xe bọc thép. Trong thời gian đó, phía Nga có 71 binh sĩ thiệt mạng và 210 người bị thương, bên cạnh tổn thất 15 xe tăng và 9 xe bọc thép.
Ukraine nói đánh chặn thành công 35 tên lửa Nga. Không quân Ukraine cho biết, lực lượng này đã đánh chặn toàn bộ 35 tên lửa được Nga dùng để tập kích vào rạng sáng cùng ngày.
“35 tên lửa hành trình Kh-101 được phóng đi từ 6 oanh tạc cơ Tu-95MS đều bị đánh chặn. Phần lớn các tên lửa này nhắm vào thủ đô Kiev và các khu vực lân cận. Vụ tập kích được tiến hành từ khoảng 0h30 tới 4h sáng 6/6”, không quân Ukraine cho hay.
Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cũng thông báo về việc bắn hạ một trực thăng Ka-52 của Nga tại Shakhtarsk.
Nga và Ukraine tranh cãi vụ vỡ đập tại Liên Hợp Quốc. Nga và Ukraine đã đề nghị tổ chức cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) sau khi đập Kakhovka ở Kherson bị vỡ. Trong cuộc họp, đại sứ Nga và Ukraine đã lên tiếng cáo buộc lẫn nhau, trong khi Mỹ không chắc chắn về bên phải chịu trách nhiệm.
“Cuộc phá hoại có chủ đích của Kiev là cực kỳ nguy hiểm, có thể coi là hành vi khủng bố. Họ muốn gia tăng căng thẳng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và lấy đi nguồn nước của bán đảo Crimea”, đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói.
Trong khi đó, đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya cho rằng Nga mới bên có hành động khủng bố nhắm vào cơ sợ hạ tầng quan trọng. “Không thể làm vỡ đập từ bên ngoài bằng pháo kích, Nga đã dùng mìn để làm nổ con đập”, ông Kyslytsya nói thêm.
Một số diễn biến liên quan
Nga yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn. Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya tuyên bố, Nga “chắc chắn không bao giờ phá đập Nova Kakhovka”. Đại diện của Nga cũng tiết lộ đã yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn nhưng không cho biết thời gian.
Bộ Ngoại giao Nga xác nhận đã yêu cầu Hội đồng Bảo an và nhiều tổ chức quốc tế khác thảo luận về vụ việc. Bộ Quốc phòng Nga trước đó cáo buộc Ukraine đã sử dụng các hệ thống pháo phản lực phóng loạt tấn công đập Nova Kakhovka.
Nga tố Ukraine âm mưu tấn công bằng “bom bẩn”. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã cáo buộc lực lượng tình báo Ukraine lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công bằng “bom bẩn” trên lãnh thổ Nga.
Đại diện FSB cho biết, kế hoạch “khủng bố” được phát hiện trong quá trình điều tra việc Kiev sử dụng UAV hạng nhẹ để tập kích Nga. Theo nguồn tin của RT, Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) có một đơn vị đặc biệt chuyên vận hành UAV hạng nhẹ. Các máy bay này có thể vận chuyển chất nổ cho những phần tử phá hoại hoặc trực tiếp thực hiện các vụ ném bom.
FSB sau đó cũng công bố đoạn video thẩm vấn 2 phi công của Ukraine, những người này bị bắt giữ khi đang cố tấn công các cơ sở quân sự của Nga bằng “bom bẩn”.
Nga khởi tố vụ án hình sự về vỡ đập nhà máy thủy điện Kakhovskaya. Uỷ ban Điều tra Nga đã khởi tố vụ án hình sự về khủng bố, gây vỡ đập nhà máy thủy điện Kakhovskaya ở khu vực Kherson, nước chảy mất kiểm soát, một số khu dân cư bị ngập lụt. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau trong việc phá hủy đập.
Ủy ban Điều tra Nga coi việc phá hủy đập nhà máy thủy điện Kakhovskaya là một hành động khủng bố, gây thiệt hại đáng kể về tài sản và những hậu quả nghiêm trọng khác. Cơ quan này đã khởi tố vụ án hình sự theo phần 2 điều 205 của Bộ luật Hình sự Nga. Ủy ban Điều tra Nga sẽ xác định hoàn cảnh của vụ việc và mức độ thiệt hại gây ra cho khu vực.
Các nước châu Phi lập phái đoàn hoà giải xung đột. Văn phòng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo, phái đoàn gồm lãnh đạo 6 nước châu Phi sẽ bắt đầu sứ mệnh hoà giải xung đột Ukraine vào giữa tháng 6.
“Các lãnh đạo châu Phi sẽ trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về một lệnh ngừng bắn và hòa bình lâu dài ở khu vực”, văn phòng Tổng thống Nam Phi cho biết.
Theo thông báo này, phái đoàn hoà bình của châu Phi gồm Tổng thống 6 nước là Nam Phi, Zambia, Senegal, Cộng hòa Congo, Uganda và Ai Cập. Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky đều đã đồng ý tiếp đón phái đoàn.