Chiến sự Nga-Ukraine 13/11/2024: Ba Lan nói đàm phán hòa bình về Ukraine sẽ thiết lập trật tự thế giới mới
Thông tin chiến sự Nga-Ukraine 13/11/2024: Ba Lan nói đàm phán hòa bình về Ukraine sẽ thiết lập trật tự thế giới mới; NATO nêu lý do không đưa quân tới Kiev.
Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
NATO nêu lý do không đưa quân tới Ukraine
Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer cho biết, liên minh sẽ gửi quân tới Ukraine nếu không có vũ khí hạt nhân của Nga.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng nếu Nga không có vũ khí hạt nhân, chúng tôi đã có mặt ở Ukraine từ lâu”, tạp chí Military Watch dẫn lời ông Bauer nói tại hội nghị thượng đỉnh quốc phòng ở Cộng hòa Séc.
Theo ông, chính yếu tố này đã tạo nên sự khác biệt giữa quân đội Nga với các đối thủ khác của liên minh.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với RT, khi nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết: “Mọi lãnh đạo của một cường quốc hạt nhân đều cam kết bảo vệ đất nước đến cùng, điều này cũng áp dụng cho đất nước chúng ta”.
Ba Lan: Đàm phán hòa bình về Ukraine sẽ thiết lập trật tự thế giới mới
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói trên TVN24 rằng, đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine có thể dẫn tới một thỏa thuận mới về trật tự thế giới.
“Rõ ràng là các quyết định về quy mô của thỏa thuận mới đang bị treo lơ lửng, điều này có thể thiết lập một trật tự thế giới mới trong nhiều thập kỷ tới”, Ngoại trưởng Ba Lan nói khi trả lời câu hỏi về tình hình xung quanh Ukraine như thế nào trong bối cảnh chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua tiếp tục leo thang. Ảnh: Sputnik |
Theo ông, nhóm của ông Trump đang xem xét các kịch bản khác nhau liên quan đến Kiev và cuộc xung đột Nga-Ukraine và vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra. Theo nhà ngoại giao Ba Lan, chính quyền mới của Mỹ sẽ không được hưởng lợi từ tình hình chiến trường Ukraine.
Cựu Thủ tướng Anh: London có thể gửi quân tới Ukraine nếu ông Trump cắt viện trợ
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình GB News rằng, London có thể gửi quân tới Ukraine nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cắt viện trợ cho Kiev
“Tại sao chúng tôi ủng hộ Ukraine? Bởi vì nếu không thì an ninh tập thể của chúng tôi sẽ bị suy yếu nghiêm trọng, khi đó chúng tôi sẽ phải trả tiền để gửi quân đội Anh đến giúp phòng thủ Ukraine”, ông Johnson nói. Ông nói thêm, hỗ trợ Kiev là một “khoản đầu tư tốt”.
Ứng cử viên Thủ tướng Đức: Berlin sẽ cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine
Ứng cử viên Thủ tướng Đức, lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Friedrich Merz, kêu gọi các nước phương Tây cho phép Ukraine đưa ra tối hậu thư cho Nga và cho phép tấn công tên lửa tầm xa vào sâu lãnh thổ Nga nếu Điện Kremlin không tuân thủ.
Khi được hỏi liệu ông có cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev nếu ông lãnh đạo chính phủ tiếp theo của Đức hay không, ông Merz nói, Đức sẽ làm mọi thứ để đảm bảo Ukraine có thể, ngoại trừ việc tham gia vào cuộc xung đột.
Ngoài ra, ông nhấn mạnh, ông vẫn để ngỏ khả năng cung cấp tên lửa cho Ukraine và gợi ý Kiev đưa ra tối hậu thư rằng nếu Nga không ngừng các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu dân sự trong vòng 24 giờ, phương Tây sẽ đồng thuận dỡ bỏ hạn chế vũ khí cho Ukraine.