Châu Âu đề xuất 5 giải pháp để xoay chuyển chiến lược công nghiệp quốc phòng
EDIS hướng tới một thị trường quốc phòng châu Âu với các tiêu chuẩn nhất quán và tương thích từ nghiên cứu tới sản xuất chung…
Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) công bố Chiến lược công nghiệp quốc phòng châu Âu (EDIS) và đề xuất Kế hoạch công nghiệp quốc phòng châu Âu (EDIP). Đây là chiến lược đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng. Chiến lược này đã xác định tầm nhìn mục tiêu rõ ràng và các biện pháp hiệu quả để EU có thể chuyển ngành công nghiệp quốc phòng sang trạng thái thời chiến, thể hiện mức độ độc lập quốc phòng và tự chủ chiến lược nhất định.
Nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng
EU đã xác định rõ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong EDIS. Theo đó, đến năm 2030, kim ngạch thương mại quốc phòng nội khối phải chiếm ít nhất 35% thị phần quốc phòng của EU; tỷ lệ mua sắm trong EU phải chiếm ít nhất 50% tỷ trọng ngân sách mua sắm quốc phòng và ít nhất 40% mua sắm trang thiết bị quốc phòng của các quốc gia thành viên EU phải được thực hiện thông qua các hoạt động mua sắm chung.
Trước sự dẫn dắt của các mục tiêu trên, để chuyển ngành công nghiệp quốc phòng sang trạng thái thời chiến, EU đã đề xuất 5 biện pháp lớn nhằm nâng cao khả năng ứng phó và chống chịu của ngành công nghiệp quốc phòng.
Thứ nhất, đầu tư quốc phòng nhiều hơn và hiệu quả hơn. EDIS đề xuất thành lập ủy ban trù bị của ngành công nghiệp quốc phòng bao gồm đại diện các quốc gia thành viên, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại, an ninh của EU và đại diện của EC, chịu trách nhiệm lập kế hoạch tổng thể về xây dựng quốc phòng. Đưa ra chương trình biên chế và trang thiết bị quân sự của châu Âu, xây dựng chính sách miễn giảm thuế cho hợp tác quốc phòng; làm theo mô hình bán vũ khí giữa chính phủ với chính phủ của Mỹ, thiết lập cơ chế bán vũ khí của châu Âu, thiết lập danh mục sản phẩm quốc phòng và dự trữ quốc phòng thống nhất của châu Âu; tham khảo phương pháp thúc đẩy sản xuất vaccine trong thời kỳ dịch bệnh để đưa ra hợp đồng sản xuất trong khuôn khổ quốc phòng.
EDIS có mục tiêu thúc đẩy công nghiệp quốc phòng công nghiệp quốc phòng châu Âu đầu tư vào công nghệ phòng thủ và tăng năng lực sản xuất đạn dược nhằm tăng tính tự chủ của EU, giảm lệ thuộc vào khí tài của Mỹ. Ảnh: AP |
Thứ hai, hệ thống cung ứng quốc phòng phản ứng nhanh hơn và kiên cường hơn. Để viện trợ cho Ukraine, EU từng đưa ra dự luật hỗ trợ sản xuất đạn dược vào năm 2023 để kích thích châu Âu bổ sung kho dự trữ quốc phòng. Tuy nhiên, dự luật hỗ trợ sản xuất đạn dược chỉ là kế hoạch ngắn hạn và phạm vi điều chỉnh chỉ bao gồm đạn dược và tên lửa.
Trong khi đó, EDIS đã mở rộng phạm vi và kéo dài thời hạn của kế hoạch kích thích sản xuất ngành công nghiệp quốc phòng hiện có của EU. Ngoài hỗ trợ sản xuất, EU còn đề xuất hỗ trợ các dây chuyền sản xuất quốc phòng hoạt động liên tục và các dây chuyền sản xuất dân dụng có khả năng để năng lực sản xuất quốc phòng có thể nhanh chóng theo kịp tình hình khi khủng hoảng xảy ra. EU còn đề xuất thành lập quỹ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng quốc phòng nhằm giúp các doanh nghiệp quốc phòng siêu nhỏ, nhỏ và vừa có được nguồn tài chính và thiết lập cơ chế an ninh cung ứng sản phẩm quốc phòng của EU.
Thứ ba, hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn. Về ngân sách của EU, EDIP đề xuất tăng ngân sách quốc phòng thêm 1,5 tỷ Euro và sử dụng số tiền thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga ở châu Âu để đầu tư vào công nghệ quốc phòng và phát triển ngành công nghiệp của Ukraine. Về hỗ trợ cho các tổ chức tài chính, EDIS khuyến nghị tăng cường rà soát Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), điều chỉnh chính sách cho vay và nới lỏng các quy định hạn chế đầu tư vào quốc phòng.
Thứ tư, văn hóa chuẩn bị chiến tranh phù hợp hơn với xu thế. EDIS cho rằng, EU nên thay đổi quan niệm, thiết lập khái niệm phát triển và an ninh mới trên tinh thần "không có hòa bình, không có thịnh vượng". Văn hóa chuẩn bị chiến tranh còn có nghĩa là điều chỉnh các chính sách giám sát hiện hành của EU, điều phối tính nhất quán của các chính sách vĩ mô trong các lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, chuyển đổi xanh, việc làm..., cũng như tối ưu hóa môi trường tổng thể cho sự phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
Thứ năm, quan hệ đối tác nước ngoài coi trọng nhiều hơn sự phối hợp. Đối với Ukraine, EDIS đề xuất hỗ trợ Ukraine tham gia kế hoạch công nghiệp quốc phòng của EU, bao gồm tham gia mua sắm chung, nâng cấp ngành nghề và trao đổi kinh nghiệm. Chiến lược này còn đề xuất tổ chức diễn đàn công nghiệp quốc phòng với Ukraine và thành lập văn phòng đổi mới quốc phòng ở nước này. Đối với NATO, EDIS đề xuất vẫn nên coi NATO là cơ sở của phòng thủ chung châu Âu.
Tìm đầu ra cho ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu
Việc EU đẩy nhanh tốc độ xây dựng công nghiệp quốc phòng xuất phát từ những động cơ cả bên trong lẫn bên ngoài rất đáng để quan tâm.
Về động cơ bên trong, năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu không phù hợp với nhu cầu. Sự phát triển tổng thể của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu tương đối chậm và còn nhiều hạn chế, được thể hiện ở 3 đặc điểm sau:
Một là, đầu tư chưa đủ. Sau Chiến tranh Lạnh, châu Âu được hưởng lợi từ nền hòa bình trong một thời gian dài, do đó đã tập trung nguồn vốn đầu tư có hạn của mình vào các lĩnh vực chính sách khác ngoài quốc phòng. Mặc dù báo cáo năm 2023 được NATO công bố cho thấy, đầu tư quốc phòng của châu Âu đã tăng trưởng 9 năm liên tiếp, nhưng vẫn chưa thể sánh ngang với mức đầu tư của các cường quốc khác trên thế giới.
EDIS tăng cường cơ sở công nghiệp và kết nối năng lực sản xuất nhằm tạo ra một danh mục vũ khí chung duy nhất. Ảnh: Sputnik |
Hai là, thiếu sự phối hợp trong nội bộ. Hiện nay, các quốc gia thành viên EU rõ ràng là thiếu sự phối hợp trong việc lên kế hoạch tổng thể và hợp tác xây dựng năng lực quốc phòng .
Hiện tượng ưu tiên lợi ích quốc gia, xây dựng trùng lặp và đầu tư kém hiệu quả còn tương đối phổ biến. Một số quốc gia thành viên thậm chí còn cố tình che giấu tiến trình xây dựng năng lực quốc phòng. Một báo cáo nghiên cứu do EC công bố trước đây cho biết, việc xây dựng trùng lặp đã gây lãng phí cho gần 30% tổng ngân sách quốc phòng của EU. Mặc dù ngay từ năm 2007, EU đã đặt ra tiêu chuẩn, theo đó, việc mua sắm thiết bị quốc phòng chung trong EU phải chiếm 35% tổng mức mua sắm, nhưng tính đến năm 2022, số liệu thực tế vẫn chỉ ở mức 18%, có thể nói là còn khoảng cách rất xa để đạt được mục tiêu.
Số liệu cho thấy mặc dù chi tiêu quốc phòng của EU gia tăng hàng năm, nhưng kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra đến tháng 6/2023, 78% ngân sách mua sắm quốc phòng của các quốc gia thành viên lại chảy ra ngoài EU. Trong đó, nguồn tiền chảy sang Mỹ chiếm 63% tổng mức mua sắm quốc phòng của EU, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng của EU lại không được hưởng lợi từ việc tăng chi tiêu quân sự.
Vì lý do này, các quốc gia như Pháp thường xuyên kêu gọi các nước thành viên "mua hàng châu Âu", đưa điều khoản mua sắm hàng của châu Âu vào chính sách viện trợ cho Ukraine hoặc quốc phòng. Việc công bố EDIS thể hiện lập trường này của châu Âu ở một mức độ nhất định.
Ba là, phụ thuộc nghiêm trọng vào nước ngoài. Đặc trưng chia tách của thị trường quốc phòng châu Âu khá rõ rệt; cung và cầu của ngành công nghiệp quốc phòng đều phụ thuộc tương đối rõ rệt vào nước ngoài.
Một mặt, một số nước thành viên phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Số liệu cho thấy, năm 2023, chỉ có 25% trang thiết bị quốc phòng của EU được sản xuất trong EU, trong khi 75% còn lại được mua sắm từ bên ngoài.
Mặt khác, các doanh nghiệp quốc phòng của châu Âu cũng đang phụ thuộc vào xuất khẩu. Hiện tại, các doanh nghiệp này phải cạnh tranh, tồn tại và phát triển trong các thị trường nhỏ, hẹp và chia tách của các quốc gia thành viên thay vì thị trường chung châu Âu. Nhu cầu ảnh hưởng đến nguồn cung và các công ty châu Âu thường ít quan tâm đến công tác nghiên cứu và phát triển quốc phòng, mua sắm và hợp tác sản xuất trong EU. Để tồn tại, một số công ty phải tập trung vào xuất khẩu và phụ thuộc nhiều vào các đơn đặt hàng từ bên ngoài. Điều này tiềm ẩn những nguy cho an ninh nguồn cung quốc phòng của EU.
Về động cơ bên ngoài, nỗi lo sợ đối với Nga và sự quan ngại đối với Mỹ tiếp tục đan xen. Trước tiên, cùng với cuộc khủng hoảng kéo dài ở Ukraine, EU coi việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine là chính sách ưu tiên, trong đó nguồn vốn, năng lực cung ứng và mong muốn chính trị là 3 yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến viện trợ cho Ukraine. Nếu không có năng lực cung ứng quốc phòng tương ứng thì dù có bao nhiêu kinh phí và ý chí, cũng chỉ mang lại lợi ích cho bên ngoài.
Bên cạnh đó, áp lực an ninh của châu Âu tăng lên, trong khi khả năng Mỹ sẵn sàng đảm bảo an ninh cho châu Âu ngày càng xuống thấp. Do đó, giảm phụ thuộc vào Mỹ là một trong những động cơ quan trọng để EU đưa ra EDIS và các đề xuất pháp lý tương ứng.