Chủng phụ BA.2 trở thành biến thể chủ đạo gây Covid-19 trên toàn cầu
BA.2 - dòng phụ của biến thể Omicron - hiện là nguyên nhân chính gây ra các ca mắc Covid-19 trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu và châu Á.
Dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron hiện là nguyên nhân chính gây ra các ca mắc Covid-19 trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu và châu Á, làm gia tăng lo ngại về khả năng bùng phát một đợt dịch mới tại Mỹ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), BA.2 hiện gây ra 86% tổng số ca mắc Covid-19 đã được giải trình tự gene virus gây bệnh. Cũng theo WHO, BA.2 hiện đã chiếm ưu thế ở khu vực châu Mỹ và từ cuối năm 2021, tỉ lệ ca bệnh đã tăng đều đặn ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông.
BA.2 được gọi là biến thể "tàng hình" vì rất khó phát hiện. Nó được ước tính có khả năng lây truyền nhiều hơn 1,5 lần so với biến chủng gốc Omicron. BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều so với "các anh em ruột" của mình là BA.1 và BA.1.1. Dù vậy, các chuyên gia không tin biến thể BA.2 sẽ gây bệnh nặng hơn hoặc làm tăng nguy cơ nhập viện.
Cũng như với các dòng phụ khác thuộc họ Omicron, vắc-xin ít hiệu quả đối với BA.2 hơn so với các biến thể trước đó như Alpha hoặc chủng gốc SARS-CoV-2 và khả năng bảo vệ giảm dần theo thời gian. Nhưng theo dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Anh (HSA), mức độ bảo vệ của vắc-xin sẽ được khôi phục sau khi tiêm mũi tăng cường, đặc biệt trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.
BA.2 cùng một "người anh em" khác của nó là BA.3 - loại cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều - chỉ có thể bị phát hiện bằng cách giải trình tự gene, điều mà không phải nước nào cũng đủ năng lực thực hiện.
Lo ngại chính là liệu BA.2 có gây tái nhiễm ở những người đã nhiễm BA.1 hay không. Tuy nhiên, dữ liệu từ Anh và Đan Mạch cho thấy, trong khi người đã nhiễm biến thể khác như Delta có thể tái nhiễm Omicron, thì chỉ có một số ít ca tái nhiễm BA.2 ở người đã nhiễm BA.1.
Giải thích về sự gia tăng số ca nhiễm BA.2 gần đây, các nhà khoa học cho rằng tình trạng này liên quan đến việc lơ là các biện pháp phòng dịch cơ bản.
Chuyên gia virus của Đại học y tế cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg tại Baltimore, tiến sỹ Andrew Pekosz nhấn mạnh: "BA.2 lây lan khi mọi người ngừng đeo khẩu trang".
Ralf Reintjes, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Khoa học ứng dụng Hamburg (Đức), đánh giá, tâm lý cho rằng đại dịch đã qua đi cho phép biến thể phụ BA.2 "cơ hội tốt để lây lan như cỏ dại ở nhiều khu vực của châu Âu".
"Rất khó để dự đoán nhưng tôi nghĩ rất có thể sự gia tăng số ca nhiễm sẽ tiếp tục "chu du" vòng quanh thế giới như cách mà SARS-CoV-2 đã làm trong đại dịch", ông Reintjes nói. Vị chuyên gia người Đức còn nhận định, có khả năng biến thể mới này sẽ lây lan và hoạt động như virus cúm mùa.
Dù lý do gia tăng số ca nhiễm BA.2 là gì, các nhà khoa học cho rằng đây là một lời nhắc nhở rằng virus đang tiếp tục gây hại, nhất là đối với những người chưa tiêm phòng và nhóm dễ bị tổn thương.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tuổi Trẻ Online)